Thứ Hai, 11 tháng 7, 2016

Cơ sở xác định bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm hại

Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định pháp luật quan trọng trong pháp luật dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại. Trong đó, tính mạng và sức khỏe con người là những quyền nhân thân quan trọng gắn liền với mỗi cá nhân được pháp luật bảo vệ. Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng pháp luật dân sự đã quy định cơ sở xác định thiệt hại để làm căn cứ ấn định mức bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên những quy định pháp luật về vấn đề này hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa rõ rang, hợp lý dẫn đến việc áp dụng vào thực tế còn chưa thống nhất. Do đó, việc nghiên cứu và đưa ra kiến nghị phù hợp với quy định của pháp luật về xác định thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe là rất cần thiết Chính vì vậy, em đã chọn đề bài: “Cơ sở xác định bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm hại” để hoàn thành bài tập lớn học kỳ.


Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được Pháp luật Việt Nam quy định lần đầu tiên tại điều 609 BLDS năm 1995 và được BLDS năm 2005 tiếp tục hoàn thiện tại Điều 604:
“1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Như vậy, theo quy định tại Điều 604, BLDS năm 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có hành vi trái pháp luật có lỗi gây thiệt hại cho các lợi ích pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt nếu pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi của người gây thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được coi là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
Do đó, có thể định nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý được phát sinh dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định khi chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ”
Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là những yếu tố, những cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức độ bồi thường. Đây được coi là chuẩn mực pháp lý trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết những tranh chấp cụ thể về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Xuất phát từ những quy định, những nguyên tắc của Pháp luật nói chung và Luật Dân sự nói riêng, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 03/2006/HĐTP-TANDTC ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh có đầy đủ 4 điều kiện sau:
Thứ nhất là phải có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Đây là điều kiện tiên quyết xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và cũng là một điểm khác biệt so với trách nhiệm theo hợp đồng. Trong hợp đồng các bên có thể thỏa thuận việc vi phạm khi một bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ mà không cần chứng minh có thiệt hại xảy ra hay không. Trái lại, trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bên bị thiệt hại bắt buộc phải chứng minh thiệt hại xảy ra. Nếu không có thiệt hại thì mặc dù có hành vi vi phạm pháp luật cũng không phát sinh trách nhiệm bồi thường mặc dù có thể phát sinh trách nhiệm pháp lý khác.
Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật.
Thứ ba, Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Thứ tư, phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Cần chú ý là đối với trường hợp pháp luật có quy định việc bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, thì trách nhiệm bồi thường của người gây thiệt hại trong trường hợp này được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính bằng tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức. Xuất phát từ quy định của Pháp luật: thiệt hại là điều kiện bắt buộc phải có trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nếu không có thiệt hại thì không phải bồi thường và nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại điều 605: thiệt hại bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu. Do đó, xác định thiệt hại là việc tính toán những tổn thất cả về mặt vật chất và tinh thần làm cơ sở để ấn định mức bồi thường bằng một khoản tiền cụ thể.
Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS.
Thiệt hại về tài sản là những thiệt hại bao gồm: mất tài sản, những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa, thay thế, những lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác công dụng của tài sản.
Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng bị mất, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe.
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm hại bao gồm chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm bị xâm hại.
Căn cứ xác định những thiệt hại về tinh thần rất phức tạp và cũng không thể “định giá” thiệt hại về tinh thần để xác định mức bồi thường một cách chính xác. Việc xác định trách nhiệm bồi thường tổn thất về mặt tinh thần cần được xem xét trong mối quan hệ xã hội cụ thể của người bị gây tổn hại về mặt tinh thần. Trước hết là phải xác định hoàn cảnh riêng của người đó trong tổng thể các quan hệ xã hội mà người đó tham gia. Những yếu tố xã hội liên quan đến người bị tổn thất tinh thần được xác định trên cơ sở khách quan và phải được làm rõ đối với từng trường hợp cụ thể. Các yếu tố xã hội liên quan có thể như: giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, điều kiện kinh tế, trình độ văn hóa, hoàn cảnh của người đó trong quan hệ xã hội, nghề nghiệp, trong quan hệ dòng họ, thứ bậc của người đó trong gia tộc, dòng họ.
Chính vì vậy, bồi thường thiệt hại về tinh thần nhằm mục đích chủ yếu là an ủi, xoa dịu nỗi đau, động viên người bị hại cũng như người thân của họ về mặt tinh thần đồng thời là biện pháp giáo dục nhằm ngăn chặn hành vi trái pháp luật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Pháp luật dân sự đã buộc người xâm hại: “bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân thích gần gũi của người đó phải gánh chịu”
Và theo hướng dẫn tại nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thiệt hại do tổn thất về tinh thần được xác định như sau:
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu.
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được xác định theo quy định tại Điều 609 BLDS, quy định cụ thể, chi tiết tại mục II, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thiệt hại đó bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
Ðiều 609. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Ðiều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Thứ nhất, chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại  bao gồm: Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ… để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có). Những khoản chi phí trên được xác định trên cơ sở hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc yêu cầu của bệnh viện, cơ quan trực tiếp cứu chữa cho nạn nhân.
Thứ hai là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
*) Thu nhập thực tế của người bị thiệt hại được xác định như sau:
- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
- Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 609 BLDS.
*)Xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại được thực hiện theo hai bước sau:
Bước một: Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không có. Trong trường hợp người bị gây thiệt hại có thu nhập thì thu nhập thực tế là bao nhiêu
Bước hai: Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh với thu nhập thực tế tương ứng được xác định ,như đã trình bày ở phần trên. Trong trường hợp người bị gây thiệt hại về sức khỏe không có khoản thu nhập thực tế nào trong thời gian điều trị thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất. Còn trường hợp, trong thời gian điều trị người bị thiệt hại về sức khỏe vẫn có thu nhập nhưng thấp hơn thu nhập thực tế trước khi bị gây thiệt hại thì khoản tiền chênh lệch là thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; nếu bằng thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất.
Thứ ba là chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Người bị gây thiệt hại về sức khỏe không thể tự mình phục vụ cho mình trong thời gian điều trị (gẫy chân, hôn mê do chấn thương, mù mắt,…) cần thiết phải có người chăm sóc. Do đó, người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại.
Một là chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm: tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc cho người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc theo yêu cầu của cơ sở y tế.
Hai là thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được xác định như sau:
- Người chăm sóc người bị thiệt hại có thu nhập thực tế ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất do phải nghỉ việc.
- Trong trường hợp người chăm sóc người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập ổn định, nhưng có mức thu nhập khác nhau thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi người đó phải đi chăm sóc người bị thiệt hại nhân với thời gian chăm sóc để xác định khoản thu nhập thực tế bị mất.
- Nếu người chăm sóc người bị thiệt hại không có việc làm hoặc có tháng làm việc, có tháng không và do đó không có thu nhập ổn định thì được hưởng tiền công chăm sóc bằng tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.
- Nếu trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, người chăm sóc vẫn được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không bị mất thu nhập thực tế và do đó không được bồi thường.
Đặc biệt là trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc. Người bị thiệt hại về sức khỏe không còn khả năng lao động là người sau khi bị gây thiệt hại về sức khỏe bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên. Do đó, nếu người bị gây thiệt hại về sức khỏe mất hoàn toàn khả năng lao động thì người gây thiệt hại phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại bao gồm: chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại. Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.
          Ngoài các khoản bồi thường những tổn thất về vật chật như đã xác định ở trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 609 BLDS 2005 và tiểu mục 1.5, mục 1, phần 1 Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì người xâm phạm sức khỏe của người khác còn phải có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại về sức khỏe phải gánh chịu.
Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị thiệt hại.
Trong mọi trường hợp, khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào sự ảnh hưởng đến nghề nghiệp, thẩm mỹ, giao tiếp xã hội, sinh hoạt gia đình và cá nhân…
Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Ví dụ: Khoảng 8h30 ngày 10/10/2011, chị Mai Thị Tr (30 tuổi, ngụ tổ 8, phường Sông Cầu, thị xã Bắc Kạn) đang điều khiển xe mô tô trên phố Đội Kỳ (khu vực tổ 7, phường Sông Cầu) thì bị 2 đối tượng đi xe máy nhãn hiệu Jupiter màu đỏ vượt lên, hắt a-xít vào mặt. Hậu quả, nạn nhân vốn là một cô gái xinh đẹp, trắng trẻo bậc nhất địa phương đã bị bỏng sâu trên diện rộng, phải điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia, bị tổn hại sức khỏe vĩnh viễn với tỉ lệ thương tật 80%. TAND thị xã Bắc Kạn đã tuyên các bị cáo Nguyễn Thị Mai, Đỗ Ngọc Hiền, Kiều Phúc Cường , Vương Trí Dũng, Nguyễn Tiến Tuấn, Đỗ Hoành Mạnh phạm tội “Cố ý gây thương tích”, ngoài hình phạt tù đối với các bị cáo, Tòa còn buộc các bị cáo trên phải liên đới bồi thường thiệt hại sức khỏe cho chị Mai Thị Tr 186,4 triệu đồng bao gồm chi phí cho việc cứu chữa điều trị, chi phí chăm sóc phục hồi sức khỏe, thu nhập bị mất và tổn thất về tinh thần.
“Ðiều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Ðiều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Căn cứ vào khoản 2, Điều 610 BLDS và hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì thiệt hại về vật chất do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
Thứ nhất là chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết, bao gồm: các chi phí được hướng dẫn tại các tiểu mục 1.1, 1.4 và thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị được hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP.
Thứ hai là chi phí hợp lý cho việc mai táng, bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung. Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ...
Thứ ba là khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Thời điểm cấp dưỡng được xác định kể từ thời điểm tính mạng bị xâm phạm. Người gây thiệt hại phải bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Khoản tiền cấp dưỡng mà những người được cấp dưỡng được nhận tương ứng với khoản tiền cấp dưỡng mà người bị thiệt hại cấp dưỡng trước khi tính mạng bị xâm phạm. Đối với những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng sau khi người bị thiệt hại bị xâm phạm tính mạng, thì những người này được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng hợp lý phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường.  Người có nghĩa vụ bồi thường khoản tiền cấp dưỡng có thể bồi thường một khoản tiền cao hơn mức người đó phải thực hiện theo sự tự nguyện hoặc thỏa thuận với người được cấp dưỡng. Trường hợp người gây thiệt hại về tính mạng của người khác không có khả năng và điều kiện kinh tế trước mắt và lâu dài để có khả năng bồi thường khoản tiền cấp dưỡng thì trường hợp này coi như là rủi ro. Những người được hưởng khoản tiền cấp dưỡng này là những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc thứ hai của nhau. Quy định này xuất phát từ những quy định của pháp luật là giữa họ có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau. Do đó, người đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng bị gây thiệt hại về tính mạng thì người gây thiệt hại phải có trách nhiệm thực hiện việc bồi thường khoản tiền cấp dưỡng này.
Những người được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng được xác định cụ thể như sau:
- Vợ hoặc chồng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng hoặc vợ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha, mẹ là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
- Cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Vợ hoặc chồng sau khi ly hôn đang được bên kia (chồng hoặc vợ trước khi ly hôn) là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
          Theo quy định của pháp luật, những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau như anh, chị em ruột, các cháu nội ngoại với ông, bà nội ngoại có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau được hưởng tiền cấp dưỡng khi người gây thiệt hại về tính mạng có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống, bao gồm:
- Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động không có tài sản để cấp dưỡng cho con được anh, chị đã thành niên không sống chung với em là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà em đã thành niên không sống chung với anh, chị là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn người khác cấp dưỡng mà ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Ông bà nội, ông bà ngoại không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng mà cháu đã thành niên không sống chung với ông bà nội, ông bà ngoại là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thiệt hại về tinh thần của cá nhân do tính mạng bị xâm phạm là đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm,... mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.
Theo quy định tại tiểu mục 2.4 thuộc mục II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào địa vị của người bị thiệt hại trong gia đình, mối quan hệ trong cuộc sống giữa người bị thiệt hại và những người thân thích của người bị thiệt hại. Điều này xuất phát từ đạo lý truyền thống, bản sắc, phong tục của nhân  dân Việt Nam đồng thời mở rộng thẩm quyền của tòa án trong việc quyết định phân chia khoản tiền bù đắp về tinh thần cho người thân thích của người bị gây thiệt hại về tính mạng. Xem xét chủ thể bị gây thiệt hại về tính mạng trong tổng thể các quan hệ xã hội mà người đó tham gia, tìm hiểu và phân tích kỹ hoàn cảnh riêng của họ thì tòa án mới có thể đánh giá sự mất mát, những tổn thất về tinh thần mà những người thân thích của người bị gây thiệt hại phải gánh chịu. Ở mỗi hoàn cảnh, vị trí, quan hệ thân thích khác nhau khác nhau thì sự mất đi người bị gây thiệt hại về tính mạng tác động đến tâm lý của những người còn sỗng là khác nhau. Pháp luật không thể đưa ra điều luật cụ thế nào để xác định cụ thể thiệt hại về tinh thần là bao nhiêu cũng như ấn định mức bôì thường thiệt hại về tinh thần là một khoản tiền cụ thể. Mọi sự tính toán đại số không thể áp dụng được cho việc xác định thiệt hại về mặt tinh thần. Khoản tiền bù đắp những tổn thất về tinh thần không thể xác định chính xác, nó chỉ mang tính tương đối nhằm mục đích xoa dịu nỗi đau của những người thân của người bị thiệt hại về tính mạng. Việc đánh giá và xác định khoản tiền bồi thường tổn thất về mặt tinh thần có hợp tình và hợp lý hay không phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm sống, sự nhạy cảm của Thẩm phán cũng  như các Luật sư, những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước tòa án.
Người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do xâm phạm tính mạng là những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại về tính mạng. Pháp luật quy định cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị gây thiệt hại về tính mạng được hưởng khoản tiền bù đắp về tinh thần là căn cứ mối quan hệ thân thuộc nhất trong gia đình và dòng họ và truyền thống ở Việt Nam (quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng). Do đó, khi người bị gây thiệt hại về tính mạng mất đi thì những người này được suy đoán là những người bị tổn thất tinh thần lớn nhất. Như vậy, pháp luật quy định những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất được hưởng khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần là hoàn toàn hợp lý.
Trong trường hợp không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người được nhận khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại.
Theo quy định tại điểm c, tiểu mục 2.4, mục II của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì trong mọi trường hợp, khi tính mạng bị xâm phạm, những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng và người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt của người bị thiệt hại được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần.
Mức bồi thường chung khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho tất cả những người thân thích của người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, số lượng người thân thích của họ, nhưng tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
Ví dụ: Khoảng 10 giờ ngày 7/9/2011, tại tầng 2 Trung tâm ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới Viện Dầu khí Việt Nam số 173, đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Đặng Minh Đức (sinh năm 1982, phường Khương Đình, quận Than Xuân, thành phố Hà Nội) đã có hành vi dùng tay phải đấm mạnh vào hàm của ông Trần Văn Toại làm ông Toại ngã xuống, phần đầu ông Toại va đập với thành ghế dẫn đến bị chấn thương nặng. Sau khi được đưa đi cấp cứu ông Toại đã tử vong tại bệnh viện 108 ngày 11/9/2011. Theo bản án số 624/2012/HSPT ngày 04/6/2012 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Đặng Minh Đức bị xử phạt 12 năm tù về tội cố ý gây thương tích và buộc Đức phải bồi thường cho người bị hại ông Trần Văn Toại (đã chết) do bà vợ Kiều Thị Sen đại diện hợp pháp số tiền là 93.624.000 đồng chi phí điều trị, viện phí, thuốc men mai tang phí và tổn thất tinh thần đồng thời buộc Đức phải bồi thường tiền cấp dưỡng nuôi cháu Trần Kiều Mỹ sinh ngày 3/1/1995 với mức 1000.000/tháng cho đến khi cháu Mỹ tròn 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác; cháu Trần Kiều Hạnh sinh ngày 21/1/2000 với mức 1000.000/tháng kể từ tháng 9/2011 cho đến khi cháu Hạnh tròn 18 tuổi  hoặc có sự thay đổi khác và tiền cấp dưỡng nuôi cụ Đặng Thị Thung (mẹ của Trần Văn Toại không có khả năng lao động), sinh năm 1924 kể từ tháng 9/2011 cho đến khi cụ Thung qua đời hoặc có sự thay đổi khác.
phạm
Điều 612, BLDS 2005:
“1. Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.
2. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:
a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;
b) Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.”
Thời hạn được bồi thường là khoảng thời gian người được bồi thường được hưởng do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm. Thời hạn được bồi thường phụ thuộc vào khả năng người bị thiệt hại có tạo ra thu nhập không sau khi đã ổn định sức khỏe và người được cấp dưỡng còn cần phải cấp dưỡng không (căn cứ vào khả năng lao động để xác định thời hạn được hưởng)
          Căn cứ vào quy định tại Điều 612, BLDS năm 2005 và hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được nuôi dưỡng suốt đời. Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà họ có nghĩa vụ cấp dưỡng được hưởng đến khi họ đủ tuổi thành niên hoặc có thu nhập nuôi sống bản thân. Trong trường hợp người này đã thành niên nhưng không có khả năng lao động nuôi sống bản thân thì họ cũng được hưởng tiền cấp dưỡng suốt đời.
Hiện nay những quy định của Pháp luật có liên quan đến việc xác định thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm vẫn còn những hạn chế và bất cập, nhiều quy định vẫn chưa rõ ràng dẫn đến việc áp dụng trên thực tiễn còn gặp nhiều vướng mắc, không thống nhất và tồn tại nhiều mâu thuẫn. Do vậy việc nghiên cứu hoàn thiện pháp luật cần được đẩy mạnh và quan tâm đúng mức.
Thứ nhất, trong trường hợp thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Quy định này chưa hẳn hợp lý và không thể áp dụng được trong mọi trường hợp. Ví dụ, nếu người bị thiệt hại là người thực hiện công việc lao động đặc thù, độc quyền trên thị trường (thầy lang bốc thuốc), hoặc những người có thu nhập trong một khoảng thời gian dài lao động (nghề trồng rừng, trồng cây lâu năm) thì rất khó có thể xác định mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại. Để giải quyết vấn đề này, có quan điểm cho rằng: “nếu không thể xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại thì phải xác định theo mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.
Thứ hai, nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại chưa đi làm và cũng chưa có thu nhập thực tế thì người này sẽ không được bồi thường do không có thu nhập thực tế. Tuy nhiên trong trường hợp ngày bị xâm phạm sức khỏe là ngày đầu tiên người đó đi làm thì việc xác định người này không được bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút là không phù hợp. Ví dụ, một sinh viên A mới ra trường ký hợp đồng lao động với công ty B, lương/tháng là 2 triệu đồng; vào ngày đầu tiên A đi làm thì bị B đâm xe vào làm A bị gãy chân phải nghỉ ở nhà 1 tháng. Rõ ràng, nếu không có sự kiện B đâm A làm gãy chân thì A có thể lao động bình thường và có thu nhập. A đã bị thiệt hại về thu nhập. Vậy theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại thì A cũng phải được nhận khoản tiền bồi thường do thu nhập bị mất. Như vậy, khi có căn cứ xác định người bị thiệt hại mất một khoản thu nhập dù là người này chưa tham gia lao động trước khi bị thiệt hại) thì Tòa án cần phải xem xét xác định thu nhập bị mất để bồi thường cho họ.
 Thứ ba, xác định thu nhập bị mất và giảm sút của người bị thiệt hại chỉ được áp dụng trong thời gian người bị thiệt hại phải nằm điều trị là không hợp lý. Vì trong trường hợp sau khi điều trị mà thu nhập của họ vẫn bị mất thì họ cũng không được bồi thường thu nhập bị mất mà chỉ bồi thường những chi phí hợp lý hàng tháng cho việc nuôi dưỡng, điều trị người bị thiệt hại và chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại (mục 4 phần II, nghị quyết 03/2006). Nếu người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và bố mẹ thì lấy tiền đâu ra. Còn trường hợp sau khi điều trị  người bị thiệt hại bị mất một phần khả năng lao động thì không có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, phải chăng Pháp luật nên có quy định về việc bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho người mà người bị thiệt hại đang thực tế cấp dưỡng nếu người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động. Còn đối với trường hợp sau khi điều trị người bị thiệt hại mất đi một phần khả năng lao động dẫn đến thu nhập bị giảm sút thì người gây thiệt hại phải bồi thường khoản tiền giảm sút cho đến khi sức khỏe của người đó phục hồi hoặc cho đến khi người đó đến độ tuổi người lao động nghỉ hưu hoặc kết thúc hợp đồng lao động mà người bị thiệt hại đã ký kết với người sử dụng lao động.
Theo hướng dẫn tại điểm b, tiểu mục 1.4, phần II, nghị quyết 03 thì “chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú. Về nguyên tắc, chỉ tính bồi thường thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động.” Quy định này có một số điểm chưa hợp lý.
Một là, trong trường hợp người chăm sóc người bị thiệt hại là người thân của họ đang tham gia lao động có thu nhập thực tế cao hơn so với mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú nhưng phải nghỉ việc để chăm sóc người bị thiệt hại. Do đó, áp dụng quy định này là chưa phù hợp, không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người chăm sóc người bị thiệt hại.
Hai là, việc xác định tiền bồi thường cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do bị mất khả năng lao động không phù hợp nếu theo chỉ định của bệnh viện hoặc trên thực tế, việc chăm sóc cần thiết phải có hai người. Rõ ràng việc bồi thường chi phí cho hai người chăm sóc ở trường hợp này là hoàn toàn hợp lý và cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người thiệt hại và người chăm sóc người bị thiệt hại.
Như vậy, Pháp luật nên bổ sung quy định về trường hợp người chăm sóc người bị thiệt hại là người thân của người bị thiệt hại có mức thu nhập cao hơn mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật tại địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú thì chi phí này được tính bằng thu nhập của họ trước khi nghỉ việc Và trong trường hợp theo chỉ định của bác sĩ cần thiết phải có nhiều người chăm sóc cho người bị thiệt hại mất khả năng lao động thì phải tính tiền bồi thường thiệt hại cho họ.
Thứ nhất về sự chênh lệch quá lớn giữa mức bồi thường tổn thất tinh thần khi xâm phạm tính mạng trong luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại Nhà nước năm 2009 (khoản 3 Điều 47 “Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định là ba trăm sáu mươi tháng lương tối thiểu”) và Bộ luật dân sự năm 2005 (khoản 2 Điều 610). Rõ ràng là cá nhân chết trong trường hợp này hay trường hợp kia đều có hậu quả pháp lý như nhau là tư cách chủ thể của người chết chấm dứt. Không thể dựa vào sự kiện người đó chết để xác định mức bồi thường tổn thất tinh thần là khác nhau được. Cho nên, quy định bù đắp tổn thất về tinh thần do xâm phạm về tính mạng là 60 tháng lương tối thiểu trong BLDS như hiện nay là không thỏa đáng. Do đó, để đảm bảo tính công bằng về giá trị của con người thì Khoản 2 điều 610 cần được sửa đổi như sau: “… mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bù đắp là 360 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định”.
Thứ hai, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mới hướng dẫn trường hợp có một người chết và có nhiều người được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, nhưng chưa hướng dẫn trường hợp có nhiều người bị chết mà có một người hoặc một số người  thân thích của  người đã chết được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần thì xác định mức bồi thường như thế nào?  Về vấn đề này tác giả Hoàng Kỳ đã đưa ra một vụ án liên quan và các quan điểm để mọi người cùng bàn luận để đưa ra giải pháp tối ưu nhất:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, trường hợp trong một gia đình có nhiều người bị chết thì những mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa cũng không đ­ược vư­ợt quá 60 tháng lương tối thiểu. Nếu áp dụng theo hướng này thì thật sự bất công cho gia đình người bị thiệt hại vì rõ ràng rằng nhiều người bị xâm phạm tính mạng thì tổn thất tinh thần lớn hơn gấp nhiều lần so với một người bị xâm phạm tính mạng. Hơn nữa nếu những người bị chết trong một gia đình thì nỗi đau, tổn thất tinh thần còn lớn hơn nữa.
Quan điểm thứ hai cho rằng, nếu trong một gia đình có nhiều người bị xâm phạm về tính mạng, thì ng­ười thứ nhất đ­ược bồi thường mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu, từ người thứ hai trở đi đ­ược tính theo tỷ lệ % giảm dần của mức tối đa 60 tháng lư­ơng. Ví dụ: Nếu ng­ười bị xâm phạm tính mạng thứ nhất đ­ược tính mức tối đa là 60 tháng l­ương, thì ngư­ời bị xâm phạm tính mạng thứ hai được tính 80% của 60 tháng l­ương là 48 tháng l­ương, còn ng­ười bị xâm phạm tính mạng thứ ba đư­ợc tính 60% của 60 tháng l­ương là 36 tháng lương. Theo đó nếu 3 người chết thì được bồi thường tổn thất tinh thần là 144 tháng lương. Giải pháp theo quan điểm này khó có thể thực hiện được vì thiếu tính khả thi, con số tỷ lệ trên được xác định dựa trên cơ sở nào, không thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Quan điểm thứ ba cho rằng, khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự quy định: “Người xâm phạm tính mạng của ngư­ời khác” có nghĩa là xâm phạm đến tính mạng của một người chứ không thể hiểu là xâm phạm đến tính mạng của nhiều người khác. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu là đối với một người bị xâm phạm tính mạng. Nếu có nhiều người bị xâm phạm tính mạng, thì cứ mỗi người bị xâm phạm đến tính mạng, những người thân thích được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu. Ví dụ, nếu có 3 ngư­ời bị xâm phạm tính mạng thì những ngư­ời thân thích đư­ợc hư­ởng tối đa không quá 180 tháng lư­ơng tối thiểu. Giả thiết có ba người chết trong ba gia đình khác nhau thì người xâm phạm đến tính mạng cũng phải bồi thường khoản tiền cho mỗi người chết là không quá 60 tháng lương. Một gia đình có ba người chết thì sự đau thương mất mát về tinh thần còn lớn hơn nhiều so với trường hợp ba người chết trong ba gia đình. Những người theo quan điểm này cho rằng, nạn nhân của tổn thất này cần được bảo vệ ở mức tối đa bởi lẽ không có gì có thể bù đắp những đau thương khi người thân bị xâm hại tính mạng. Do vậy trước những giải pháp khác nhau mà văn bản có thể cho phép áp dụng thì nên lựa chọn giải pháp tốt nhất cho gia đình nạn nhân. Hơn thế nữa, những tổn thất này thường là do xuất phát từ tai nạn giao thông mà đằng sau các chủ phương tiện giao thông còn có các công ty bảo hiểm. Việc đứng về phía gia đình người bị xâm phạm tính mạng đồng nghĩa với việc nâng cao trách nhiệm của các chủ phương tiện giao thông, tăng tính thận trọng của họ khi đưa phương tiện vào lưu thông làm giảm đi tai nạn giao thông. Như vậy, quan điểm này mang tính khả thi, được đánh giá là hợp tình, hợp lý nhất.
Quan điểm thứ tư cho rằng: Cần đánh giá xác định đối với từng vụ việc cụ thể về: Vị trí, vai trò, tầm quan trọng, khả năng lao động, mức độ ảnh hưởng của người bị thiệt hại trong gia đình; kết hợp với việc xem xét hoàn cảnh kinh tế của bên co trách nhiệm bồi thường để ấn định mức bồi thường tổn thất tinh thần cho hợp lý. Quan điểm này khá thuyết phục tuy nhiên việc đánh giá về tinh thần một cách chính xác là không thể vì tổn thất tinh thần là những đau đớn, mất mát về tình cảm, hụt hẫng suy sụp tinh thần thuộc về nội tâm của mỗi người mà không ai có thể cân đo đong đếm, đánh giá một cách chính xác được. Do đó, nếu áp dụng theo quan điểm này sẽ dẫn đến sự áp đặt ý chí cá nhân, theo cảm tính của thẩm phán, không thống nhất giữa các cơ quan xét xử.
Từ việc làm rõ, giải quyết được vần đề này chúng ta có thể xem xét lại Vụ án Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng Ngọc Bích, giết hại ba người vợ chồng chủ tiệm vàng là anh Trịnh Thành Ngọc (37 tuổi) - chị Đinh Thị Chín (35 tuổi), cháu Trịnh Thị Thảo (18 tháng tuổi) và làm thương tích 74,6% cho cháu Trịnh Thị Bích (9 tuổi). Ngày 30/3/2012, tại phiên tòa phúc thẩm, ngoài việc phải chịu hình phạt tù 18 năm vì các tội danh: giết người, cướp tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì Tòa án nhân dân Tỉnh Bắc Giang buộc Lê Văn Luyện, Lê Văn Miên và bà Trương Thị Thơm phải có trách nhiệm bồi thường: chi phí mai táng phí 64 triệu đồng, điều trị cho cháu Bích tại BV Việt Đức là 57,6 triệu đồng, mất thu nhập của người nuôi cháu Bích trong thời gian nằm viện là 19,5 triệu đồng, tiền thuê xe đưa đón đưa đi viện 20 triệu đồng, bồi dưỡng cháu Bích sau khi ra viện là 25 triệu đồng, tiền tổn thất tinh thần là 124,5 triệu đồng ngoài ra, buộc Luyện cấp dưỡng cho cháu Bích mỗi tháng là 1,5 triệu đồng cho tới khi cháu đủ 18 tuổi. Như vậy, Luyện đã xâm phạm đến tính mạng của 3 người là cha, mẹ và em gái của bé Bích đồng thời xâm phạm đến sức khỏe, gây thương tích cho Bích tới trên 74%, tổn thất về mặt tinh thần đối với gia đình anh Ngọc đặc biệt là bé Bích là vô cùng to lớn. Không hiểu rằng, Tòa án đã căn cứ vào đâu, dựa vào cơ sở nào để xác định thiệt hại về tinh thần ấn định khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình bé Bích là 124,5 triệu đồng.
          Như vậy, pháp luật cần có quy định cụ thể về việc xác định tổn thất tinh thần khi một người xâm phạm tính mạng của nhiều người để khắc phục những thiếu sót hiện tại, áp dụng pháp luật thống nhất, chuẩn xác, đảm bảo công bằng cho các chủ thể. Quy định theo hướng xác định mức bù đắp tổn thất tinh thần lớn nhất cho gia đình nạn nhân là phù hợp nhất. Tức là trong trường hợp không có thỏa thuận thì người xâm phạm tính mạng của nhiều người phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân tối đa bằng 60 tháng lương tối thiểu nhân với số người thiệt mạng.
Theo khoản 2 điều 610 thì trong bất kỳ trường hợp nào những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần. Phải khẳng định rằng khoản tiền bù đắp tổn thất này không phải là di sản thừa kế nên theo quy định của pháp luật hiện hành thì người bị truất, bị tước quyền hưởng di sản thừa kế cũng được nhận khoản tiền tổn thất về tinh thần này. Đây là một điểm không hợp lý. Bởi lẽ, người bị truất, bị tước quyền hưởng di sản thừa kế là những người có mối quan hệ tình cảm không tốt, đã bị sứt mẻ với người bị xâm phạm tính mạng khi còn sống. Người đó chết đi khiến họ không những không đau buồn mà có thể còn cảm thấy “hạnh phúc, sung sướng”, mong muốn cho người đó “chết càng sớm càng tốt”. Pháp luật để người đã bị truất, bị tước quyền hưởng di sản được hưởng khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần như hiện nay là không thỏa đáng. Do đó, khoản 2 Điều 610 cần được sửa đổi theo hướng loại trừ người đã bị truất quyền hưởng di sản hoặc người bị tước quyền hưởng di sản được nhận khoản tiền bù đắp về tinh thần.
So sánh giữa mức bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm với thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, pháp luật vô hình chung đã xác định thiệt hại do xâm phạm về sức khỏe lớn hơn rất nhiều so với thiệt hại do xâm hại về tính mạng. Trên thực tế, khi áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về xác định thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm thì khoản tiền mà người xâm phạm đến sức khỏe bồi thường lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền mà người xâm phạm tính đến tính mạng người khác. Điều này đã dẫn đến thực trạng là người gây thiệt hại “trốn tránh”, giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng cách cố tình làm nạn nhân chết ngay, “thà để nạn nhân chết còn hơn là để nạn nhân sống mà thương tật, phải bồi thường cho nạn nhân suốt đời”. Đặc biệt là các tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện cơ giới, trọng tải lớn (congtainer, xe tải,…) gây ra. Họ có một bài toán so sánh đơn giản: nếu nạn nhân chết ngay thì chỉ phải bồi thường tiền mai táng phí, tiền cấp dưỡng và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa là 60 tháng lương tối thiểu, không đáng kể gì so với trường hợp nạn nhân bị thương tật, thậm chí mất khả năng lao động thì phải bồi thường rất nhiều khoản chi phí: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút; thu thập thực tế bị mất, bị giảm sút, chi phí cho người chăm sóc nạn nhân, khoản tiền bù đắp về tinh thần,…chính vì vậy khi đã gây ra tai nạn, tài xế đã cố tình làm cho nạn nhân chết ngay tại chỗ. Điển hình phải kể đến hành vi của Đặng Hữu Anh Tuấn ngày 14/5/2009 trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh: Tuấn đã cố tình điều khiển congtainer làm xe cán lên người nạn nhân 3 lần liên tiếp, gây hậu quả chết người. Mong muốn giảm trách nhiệm dân sự là một trong những lý do Tuấn thực hiện hành vi này. Đây là hành vi bất chấp mạng sống của người khác có tính chất côn đồ, gây hoang mang trong dư luận, phản ánh sự xuống cấp về đạo đức. Do vậy, pháp luật cần điều chỉnh sao cho phù hợp trong việc xác định thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng để khắc phục thực trạng đau buồn trên.
Quy định liên quan đến việc xác định khoản tiền cấp dưỡng cũng chưa rõ ràng, dẫn đến việc xác định khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại phải có nghĩa vụ cấp dưỡng trên thực tế không có sự thống nhất, mỗi tòa lại đưa ra một mức bồi thường khác nhau. Nếu áp dụng một cách tự phát và không có căn cứ như này sẽ không đảm bảo tính công bằng giữa những người bị hại và thân nhân của họ, mà tính mạng con người là như nhau nên không thể có sự phân biệt. Do đó, để đảm bảo cho việc áp dụng thống nhất và tạo ra sự phù hợp, thống nhất giữa các tòa cũng như các vụ án thì pháp luật cần sửa đổi quy định về khoản tiền cấp dưỡng  này. Nhiều quan điểm cho rằng quy định này nên theo hướng như Luật bảo hiểm xã hội năm 2006 (“Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương tối thiểu chung; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương tối thiểu chung”- khoản 1 Điều 65). Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 610 BLDS nên sửa như sau: “Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội” và mục 2.3 Mục 2 Phần II Nghị quyết 03/2006 nên sửa “tiền cấp dưỡng hợp lí phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường, nhu cầu thiết yếu của người được bồi thườngthành “tiền cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.
Chi phí hợp lý là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phương tại thời điểm chi phí. Khi người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường các khoản chi phí liên quan đến việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút thì phải nêu rõ từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra, mức yêu cầu bồi thường và “phải có chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý” thì mới có thể được bồi thường (vé phương tiện đi lại, hóa đơn thanh toán tiền mua thuốc, tiền viện phí). Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều trường hợp mà việc chi phí những khoản này không thể có những bằng chứng như trên thì việc chứng minh có chi phí hợp lý của người bị thiệt hại lại không dễ dàng. Ví dụ, người bị thiệt hại về sức khỏe đi bằng xe ôm, dùng các bài thuốc dân gian, chữa bệnh ở cơ sở tư nhân,…Trường hợp này Tòa án không thể áp dụng quy định này của Pháp luật mà Tòa án đã căn cứ vào tình hình thực tế để xác định mức chi phí này.
          Do đó, pháp luật cần có quy định về việc công nhận các chi phí hợp lý không có chứng từ hay giấy biên nhận hợp lệ do người thiệt hại chứng minh khi có căn cứ xác định (ví dụ như thông qua người làm chứng: bác xe ôm, chủ cơ sở chữa bệnh tư,…) để đảm bảo việc áp dụng của cơ quan xét xử có căn cứ pháp luật.


Như vậy, cơ sở xác định thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng là vấn đề rất phức tạp đòi hỏi yêu cầu về tính hợp lý và sự linh hoạt đối với từng trường hợp. Do đó, khi Tòa án xét xử cần xem xét thận trọng những yếu tố khách quan để có thể xác định chính xác mức bồi thường, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Pháp luật về xác định thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe cần được tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý, áp dụng thống nhất các quy định pháp luật giữa các cấp xét xử ở các tòa án, góp phần xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.

1. Giáo trình Luật dân sự Việt Nam tập 2, Trường Đại học Luật Hà Nội, nhà xuất bản Công an nhân dân, năm 2012.
2. TS.Lê Đình Nghị, TS.Nguyễn Thị Nga-ThS.Nguyễn Bá Bình-ThS.Vũ Thị Hồng Yến, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2, nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2011.
3. TS.Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe và tính mạng, Nhà xuất bản Hà Nội
4. PGS Hoàng Thế Liên, Bình luận khoa học BLDS năm 2005 (tập II) phần thứ ba: nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự - Bộ tư pháp Viện khoa pháp lý, nhà xuất bản chính trị quốc gia, năm 2009.
5. Nguyễn Văn Hợi, “Những hạn chế và bất cập trong việc xác định thiệt hại khi sức khỏe bị xâm phạm theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành”, Tạp chí tòa án nhân dân số tháng 7/2011
6. Nguyễn Văn Hợi, “xác định thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, số tháng 8/2011.
7. Đỗ Văn Đại, Bồi thường thiệt hại về tinh thần trong pháp luật Việt Nam, tạp chí tòa án nhân dân số 16/2008.
8. Hoàng Kỳ, Vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần theo khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự, tạp chí Tòa án nhân dân số 18.
9. Đinh Văn Quế, Một số ý kiến về khoản tiền bù đắp về  tinh thần do bị  xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín quy định tại Bộ luật dân sự, Tạp chí tòa án nhân dân số 20/2009.
10.Nguyễn Thị Kim Vinh, Vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần, Tạp chí tòa án nhân dân số 21/2009.
11. Vũ Tuấn Dũng, Về bài “vấn đề bồi thường tổn thất tinh thần theo khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự”, tạp chí toà án nhân dân, số 20/2009.
12. Đỗ Văn Đại, Trao đổi về bài vấn đề bồi thường tổn thất về tinh thần theo khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự, Tạp chí tòa án nhân dân số 21/2009.
13. website:

http://doc.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét