Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

BÀI TẬP NHÓM MÔN LAO ĐỘNG

BÀI LÀM
   Câu 1: Việc anh A bị tai nạn có thể coi là tai nạn lao động hay không?
Do gia đình có việc bận nên anh A đã không đi ô tô với đoàn công tác vào chiều ngày 31/3/2009. Sáng sớm hôm sau, anh tự đi bằng xe máy lên Bắc Giang. Dọc đường đi, do trời tối và thiếu ngủ, anh A đã tự đâm vào thanh chắn đường quốc lộ số 1 (Hà Nội – Lạng Sơn). Hậu quả là anh A bị tai nạn gãy 2 chân và chấn thương sọ não.
Trong trường hợp này, tai nạn của anh A hoàn toàn được xác định là tai nạn lao động.
Theo quy định tại Điều 105 – Bộ luật Lao động (BLLĐ) thì “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Cùng với đó, Điều 39 – Luật Bảo hiểm quy định “Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1.     Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2.     Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.”
Như vậy, tai nạn lao động là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động và không phụ thuộc vào lỗi của người lao động.
Trong trường hợp của anh A, nhận thấy:
-   Anh A bị tai nạn trên đường đi công tác và việc đi công tác là theo yêu cầu từ phía công ty.
-   Anh A bị gẫy 2 chân và chấn thương sọ não, tỷ lệ giám định thương tật mất 56% sức lao động.
-   Về phía công ty X cũng đã xác nhận anh A bị tai nạn lao động.
Đối chiếu với những quy định của pháp luật về tai nạn lao động đã đề cập ở trên, theo quan điểm của nhóm, trong tình huống này anh A được xác định là bị tai nạn lao động.
Về vấn đề anh A không đi cùng xe ôtô với đoàn công tác và tự đi bằng xe máy, cũng như việc anh A tự đâm vào thanh chắn đường thì công ty không quy định bắt buộc phải đi công tác cùng đoàn hơn nữa vẫn chấp nhận việc anh A đi xe máy (lí do gia đình có việc bận). Vì vậy việc anh A bị tai nạn mặc dù là do lỗi của anh A nhưng như đã nêu trên, tai nạn lao động không phụ thuộc vào lỗi của người lao động. Việc anh A tự đâm vào thanh chắn đường cũng được giải thích theo quan điểm trên. Hơn nữa, từ thực tế cho thấy công ty X trên cương vị là người sử dụng lao động đã xác định tai nạn của anh A là tai nạn lao động. Vì vậy, với những căn cứ trên, có thể xác định anh A bị tai nạn lao động.
   Câu 2: Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành, công ty có trách nhiệm phải giải quyết những quyền lợi gì cho anh A sau khi đã xác nhận anh A bị tai nạn trên đường đi công tác?
Công ty X đã xác nhận anh A bị tai nạn lao động trên đường đi công tác, đồng nghĩa với việc xác nhận anh A bị tai nạn lao động. Như vậy, theo các quy định của pháp luật hiện hành, công ty X phải có trách nhiệm giải quyết những quyền lợi cho anh A với tư cách người sử dụng lao động giải quyết quyền lợi cho người lao động bị tai nạn lao động.
Với trường hợp tai nạn lao động, pháp luật lao động có những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho người bị tai nạn lao động như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 107 BLLĐ: “Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội.
Khoản 1 Điều 143 BLLĐ cũng quy định: “Trong thời gian người lao động nghỉ việc để chữa trị về tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải trả đủ lương và chi phí cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 107 của Bộ luật này.”
Khoản 3 Điều 107 quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động cho người lao động theo mức độ bị suy giảm khả năng lao động. Với trường hợp của anh A, sau 3 tháng điều trị ổn định tại bệnh viên, anh A được xuất viện với tỷ lệ giám định thương tật mất 56% sức lao động. Khoản 3 Điều 107 BLLĐ có ghi: “Chính phủ quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động và mức bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 81%.”
Khoản 4 Điều 1 của Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ quy định về đối tượng áp dụng chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, “Người lao động bị tai nạn trong các trường hợp sau thì được trợ cấp:
-   Tai nạn theo quy định tại khoản a, điểm 1 nêu trên nhưng do lỗi trực tiếp của người lao động theo kết luận của Biên bản điều tra tai nạn lao động.
-   Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việ, nơi làm việc về nơi ở hoặc tai nạn do những nguyên nhân khách quan như thiên tai, hỏa hoạn và các trường hợp rủi ro khác gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động hoặc không xác định được người gây ra tai nạn xảy ra tại nơi làm việc.”
Như vậy, với những quy định trên, công ty X phải giải quyết những quyền lợi sau cho anh A:
-   Thứ nhất, công ty phải chịu toàn bộ chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong của anh A, cụ thể : tiền khám, chữa trị, tiền viện phí bồi dưỡng bệnh lý (nếu có).
-   Thứ hai, anh A phải được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, nếu công ty chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì công ty phải trả cho anh A một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội. Theo như tình huống ở đề bài thì công ty X đã có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
-   Thứ ba, trong thời gian anh A nghỉ việc để chữa trị, công ty X phải trả đủ lương cho anh A. Lương ở đây là lương theo hợp đồng lao động. Bên cạnh tiền lương, công ty còn phải đưa cho một khoản trợ cấp tai nạn lao động.
-   Thứ tư, công ty X phải sắp xếp việc làm cho anh A sau thời gian chữa trị. Bởi anh A được giám định mất 56% sức lao động, sau thời gian chữa trị, anh đã có đơn đề nghị công ty bố trí việc làm cho anh phù hợp với mức độ suy giảm sức lao động của anh (theo quy định tại khoản 1 Điều 107).
Về mức trợ cấp được thực hiện theo hướng dẫn trong Thông tư số 10/ 2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “Hướng dẫn việc thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”: “Mức trợ cấp ít nhất bằng 0.6 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% đến dưới 81% thì tính theo công thức hoặc tra bảng tính mức bồi thường, trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% đến tử vong”.
Cụ thể, mức trợ cấp cho anh A với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 56% là 7.96 tháng lương và phụ cấp lương (nếu có).
   Câu 3: Công ty có nghĩa vụ phải bố trí công việc phù hợp với mức độ suy giảm khả năng lao động cho anh A hay không?
Anh A bị tai nạn trên đường đi công tác. Sau 3 tháng điều trị ổn định tại bệnh viên, anh A được xuất viện với tỷ lệ giám định thương tật mất 56% sức lao động. Anh A làm đơn đề nghị công ty bố trí việc làm cho anh phù hợp với mức độ suy giảm sức lao động của anh. Trong trường hợp này, công ty X phải đáp ứng đề nghì của anh A, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của anh ở thời điểm đó.
Khoản 1 Điều 107 quy định: “ Người tàn tật do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa để xếp hạng thương tật, xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và được phục hồi chức năng lao động; nếu còn tiếp tục làm việc, thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa lao động.”
Điều 16 Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định: “Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm trả các khoản chi phí y tế và tiền lương từ sơ cứu đến cấp cứu khi điều tri ổn định thương tật cho người lao động.
 Sau khi điều trị ổn định thương tật,người sử dụng lao động phải có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp cho người bị tai tạn lao động và được tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại hội đồng giám định y khoa theo quy định của bộ y tế”.
Công ty X đã xác nhận anh A bị tai nạn trên đường đi công tác như vậy đồng nghĩa với việc xác định anh A bị tai nạn lao động nên công ty X với tư cách là người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ với việc bố trí công việc phù hợp với mức độ suy giảm khả năng lao động cho anh A (ở trường hợp này được xác định là mất 56% sức lao động).
   Hợp đồng lao động là một văn bản ràng buộc về quan hệ lao động, ghi nhận về quyền và trách nhiệm của các bên. Do vậy việc anh A bị tai nạn lao động nằm trong khuôn khổ quan hệ lao động giữa 2 bên nên người sử dụng lao động sẽ phải thực hiện trách nhiệm đối với người lao động.Mặc dù việc bị tai nạn là do lỗi của anh A nhưng công ty X đã xác nhận anh A bị tai nạn trên đường đi công tác nên tai nạn của anh A được coi là tai nạn lao động, và với nguyên tắc bảo vệ người lao động thì công ty X vẫn phải có trách nhiệm với anh A.
   Câu 4: Giả sử anh A được công ty bố trí làm công việc bảo vệ, nhưng do thương tật, nên anh A không hoàn thành công việc thì công ty có thể chấm dứt hợp đồng lao động với anh A được không? Muốn chấm dứt hợp đồng lao động với anh A trong trường hợp này, công ty cần lưu ý những vấn đề gì?
1. Trong trường hợp công ty X bố trí cho anh A làm công việc bảo vệ mà 2 bên chưa có thỏa thuận theo 1 hợp đồng lao động mới nào mà anh A lại không hoàn thành được công việc do thương tật thì ở trường hợp này câu hỏi về chấm dứt hợp đồng lao động với anh A là với hợp đồng lao động không xác định đã ký kết trước đó.
Như tình huống đề bài ra anh A bị tai nạn lao động (mất 56% sức lao động) không phù hợp với công việc trong hợp đồng lao động vì tình trạng sức khỏe nên công ty X muốn chấm dứt hợp đồng lao động với anh A thì:
- Một là: Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Công ty X sẽ phải trả cho anh A một khoản trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 BLLĐ.
Trình tự, thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động sẽ thực hiện tuân theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 38 BLLĐ như sau:
2. Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan lao động biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, Ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ một năm đến ba năm;
c) Ít nhất ba ngày đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ, theo một công việc nhất định mà thời hạn dưới một năm.”
Ngoài ra theo quy định tại đoạn 1 và đoạn 3 Điều 43 BLLĐ thì công ty cũng cần lưu ý:
“Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Người sử dụng lao động ghi lý do chấm dứt hợp đồng lao động vào sổ lao động và có trách nhiệm trả lại sổ cho người lao động. Ngoài các quy định trong sổ lao động, người sử dụng lao động không được nhận xét thêm điều gì trở ngại cho người lao động tìm việc làm mới.
- Hai là: Hai bên không thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, thì công ty X sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường vì đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Chi phí bồi thường sẽ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc do 2 bên thỏa thuận.
Bên cạnh đó công ty X phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho anh A nếu anh đã làm việc cho công ty một năm trở lên theo khoản 1 Điều 42 BLLĐ
2. Trong trường hợp công ty X bố trí cho anh A làm công việc bảo vệ mà 2 bên đã có thỏa thuận theo 1 hợp đồng lao động mới. Tuy nhiên, anh A lại không hoàn thành được công việc do thương tật thì trường hợp này công ty muốn chấm dứt hợp đồng lao động với anh A chính là chấm dứt cái hợp đồng lao động mới thỏa thuận về công việc bảo vệ này.
Tại điểm a khoản 1 Điều 38 BLLĐ đã quy định như sau:
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
 a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng.”
Mặt khác theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP như sau: “Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động là không hoàn thành định mức lao động hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan và bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng, mà sau đó vẫn không khắc phục. Mức độ không hoàn thành công việc được ghi trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động”
Trong trường hợp này bài cũng không nêu rõ là anh A không hoàn thành công việc không thường xuyên hay thường xuyên và cũng không nêu rõ là việc không hoàn thành công việc đó công ty có lập biên bản về việc không hoàn thành công việc hay không? Cho nên, nhóm em có đưa ra một số trường hợp như sau:
* Trường hợp thứ nhất: Anh A không hoàn thành công nhưng công ty X không lập biên bản đối với việc không hoàn thành công việc được giao. Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP nêu trên muốn chấm dứt hợp đồng lao động với lí do thường xuyên không hoàn thành công việc phải đảm bảo đủ 2 yếu tố là:
 + Không hoàn thành công việc được giao hoặc nhiệm vụ được giao do yếu tố chủ quan,
 + Bị lập biên bản hoặc nhắc nhở bằng văn bản ít nhất 2 lần trong một tháng mà sau đó vẫn không khắc phục.
Trong trường hợp này, việc anh A không hoàn thành được công việc mà công ty X giao cho là do yếu tố chủ quan của anh (bị tai nạn lao động với tỉ lệ thương tật là 56% sức lao động) nhưng việc anh A không hoàn thành công việc như vậy không bị công ty X lập biên bản hoặc cũng không bị nhắc nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng.
Vì vậy công ty X không được chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh A với lí do “không thường xuyên hoàn thành công việc được giao. Và muốn chấm dứt hợp đồng lao động này sẽ theo trình tự như tình huống a ở trên.
* Trường hợp thứ hai: Anh A không hoàn thành công việc và công ty X đã lập biên bản hai lần trong một tháng đối với việc anh A không hoàn thành công việc được giao. Như vậy, cũng áp dụng Điều 12 Nghị Định 44 thì trong trường hợp này công ty X hoàn toàn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh A theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 38 BLLĐ. Và trình tự thủ tục cũng theo như tình huống a ở trên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét