Trong quản lý hành chính
nhà nước, các chủ thể quản lí hành chính nhà nước sử dụng pháp luật là phương
tiện quan trọng, trước hết và chủ yếu để đảm bảo thực hiện có hiệu quả hoạt
động quản lí hành chính (QLHC) của mình. Tuy nhiên, pháp luật chỉ thực sự phát
huy vai trò, tác dụng của mình khi bản thân hệ thống pháp luật phải tốt (nghĩa
là có tính khả thi, phù hợp với thực tế, đạo đức, truyền thống tốt đẹp,…) và
pháp luật được tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Chính vì vậy, pháp
chế xã hội chủ nghĩa với nội dung là sự đòi hỏi đặc biệt của một xã hội dân chủ
đối với tất cả các chủ thể pháp luật trong việc tôn trọng và thực hiện pháp
luật một cách nghiêm chỉnh, đầy đủ và chính xác đã trở thành nguyên tắc cơ bản
trong tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Việc đảm bảo pháp
chế trong quản lí hành chính nhà nước (QLHCNN) là yêu cầu tất yếu của quá trình
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Một trong các biện
pháp pháp lí bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước chính là hoạt
động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để hiểu rõ hơn về biện
pháp này, em đã tìm hiểu và phân tích vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải
quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính
nhà nước.
NỘI DUNG
I. Một số vấn đề lí luận.
1. Pháp chế và bảo đảm
pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước.
1.1. Khái niệm pháp chế và
bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước.
Trong phạm vi quản lý hành
chính nhà nước, pháp chế được hiểu là sự tôn trọng và triệt để tuân theo các
quy định của pháp luật trong quản lí hành chính. Bảo đảm pháp chế nói chung
là tổng thể các biện pháp, phương tiện tổ chức - pháp lí do các cơ quan nhà
nước, tổ chức xã hội và công dân áp dụng nhằm thực hiện chức năng, quyền hạn và
nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức đó đồng thời thực hiện quyền và nghĩa vụ của
công dân. Tức là phải củng cố việc xây dựng cơ chế, phương tiện, phương pháp và
cách thức nhằm làm cho pháp luật thực hiện có hiệu quả trong thực tế, thực sự đem
lại lợi ích cho nhà nước, xã hội và toàn thể nhân dân lao động. Bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính
nhà nước là tổng thể các biện pháp có tính chất tổ chức – pháp lí do các cơ
quan nhà nước, tổ chức và cá nhân thực hiện trong phạm vi những chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước, quyền và nghĩa vụ của cá nhân nhằm
đảm bảo cho hoạt động quản lí hành chính diễn ra trong khuôn khổ các quy định
của pháp luật. Như vậy, thực hiện bảo đảm pháp chế trong QLHC phải là những
hoạt động mà nội dung của hoạt động là việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà
nước, quyền và nghĩa vụ của cá nhân, là hoạt động có mục đích đảm bảo cho hoạt động
của các cơ quan nhà nước diễn ra đúng pháp luật. Ví dụ như hoạt động giám sát
của Quốc Hội, Hội đồng nhân dân; hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của
Thanh tra Tỉnh - cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, của Ban thanh tra nhân
dân; hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân,…
Các biện pháp bảo đảm pháp chế trong QLHC có tính chất tổ chức – pháp lí tức là
phải có sự phân công, phân định rõ ràng về tổ chức, vị trí công việc đều được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
1.2.Các yêu cầu đối với
pháp chế và bảo đảm pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước.
Thứ nhất là các
yêu cầu cơ sở, đặt nền móng để đảm bảo pháp chế trong QLHCNN. Trước hết là cần
có một hệ thống quy phạm pháp luật về quản lí hành chính có chất lượng tốt, tức
là phải đảm bảo tính hợp lí và tính hợp pháp. Tiếp theo là bản thân bộ máy quản
lí hành chính phải hợp lí nghĩa là các cơ quan QLHC phải xác định rõ nhiệm vụ
và quyền hạn, có cơ chế để các cơ quan này phối hợp với nhau trong quản lí hành
chính, đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng vừa chuyên. Thêm vào đó là phải đảm
bảo kinh phí cho hoạt động pháp chế. Cuối cùng là phải có sự hiểu biết pháp
luật về phía cá nhân, tổ chức, vì có thể tránh được hiện tượng đút lót, hối lộ,
thúc đẩy cán bộ, công chức làm sai, cán bộ, công chức lạm quyền, sách nhiễu dân
mà dân không biết,… Thứ hai là các
hoạt động bảo đảm pháp chế phải được diễn ra thường xuyên, công khai, dân chủ,
không cản trở hoạt động quản lí hành chính, thực hiện trong khuôn khổ pháp luật
trên cơ sở phối hợp với nhau (phối hợp giữa hoạt động giám sát ở bên ngoài với
hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan hành chính nhưng vẫn đảm bảo là không
chồng chéo).
2. Khiếu nại, tố cáo và
giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Khiếu nại, tố cáo là hình thức đặc biệt quan trọng để nhân
dân lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động QLHCNN. Quyền khiếu nại, tố cáo là
quyền chính trị cơ bản của công dân, được quy định trong các bản Hiến pháp của
nước ta (điều 29 - Hiến pháp năm 1959, điều 73 – Hiến pháp năm 1980, điều 74 –
Hiến pháp 1992, điều 74 – Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001) và tiếp tục được
ghi nhận trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (năm 2013) quy định quyền
khiếu nại, tố cáo của “mọi người” tại điều 31. Nhà nước đã quy định cụ thể
quyền và nghĩa vụ khiếu nại tố cáo thành một đạo luật – luật khiếu nại, tố cáo
năm 1998. Hiện nay, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật khiếu nại,
tố cáo năm 1998, Nhà nước ta đã ban hành
Luật khiếu nại số2/2011/QH13, Luật tố cáo
số 03/2011/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2011, Nghị định
75/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
khiếu nại; Nghị định 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một
số điều của Luật tố cáo. Đây được coi
là cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân.
2.1. Khái niệm khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố
cáo.
Khiếu nại là việc cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật đề nghị
người có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc
quyết định kỉ luật đối với cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định,
hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân,
tổ chức.
Giải quyết khiếu nại là việc xem xét và giải quyết các yêu cầu khiếu
nại của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, bao gồm việc thụ lý,
xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại.
Tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết
về bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào của cá nhân, cơ quan, tổ chức gây thiệt
hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Giải quyết tố cáo là việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung
tố cáo và việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo.
2.2. Chủ thể của hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết
khiếu nại, tố cáo.
Người khiếu nại là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền và lợi ích
hợp pháp bị xâm hại liên quan trực tiếp
tới quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỉ luật cán bộ,
công chức. Theo đó, chủ thể khiếu nại có thể là công dân, cơ quan, tổ chức, cán
bộ, công chức, ngoài ra còn có cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt
Nam. Chủ thể thực hiện quyền khiếu nại phải là người có năng lực hành vi dân sự
đầy đủ và phải tự mình thực hiện quyền này. Trường hợp người khiếu nại là người
chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp
luật là người khiếu nại; trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược
điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại
thì được ủy quyền cho người khác thực hiện quyền khiếu nại (điều 12 – Luật
khiếu nại). Người bị khiếu nại là CQHCNN
hoặc người có thẩm quyền trong CQHCNN có quyết định hành chính, hành vi hành
chính bị khiếu nại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền co quyết định kỷ
luật cán bộ, công chức bị khiếu nại. Người
giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại theo quy định của pháp luật.
Người tố cáo là công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đang cư
trú tại Việt Nam. Người bị tố cáo là
cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo, bao gồm cả cơ quan, tổ chức, cá
nhân nước ngoài tại Việt Nam. Người giải quyết tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
2.3. Đối tượng của hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết
khiếu nại, tố cáo.
Đối tượng của hoạt động khiếu nại và giải quyết khiếu nại
là quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ,
công chức. Theo Điều 2, Luật khiếu nại thì quyết
định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có
thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn
đề cụ thể trong hoạt động QLHCNN được áp dụng một lần đối với một hoặc một số
đối tượng cụ thể (tức là quyết định hành chính cá biệt); hành vi hành chính là hành
vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành
chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định
của pháp luật; quyết định kỷ luật là
quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một
trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của
mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Đối tượng của hoạt động tố cáo và giải quyết tố cáo là hành
vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện
nhiệm vụ, công vụ cũng như hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá
nhân về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Theo điều 2, Luật tố cáo thì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ,
công chức, viên chức trong việc thực hiện công vụ là việc công dân báo cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc
thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành
vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý nhà nước trong
các lĩnh vực là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật
của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định của
pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Như vậy, đó là mọi hành vi vi
phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại tới lợi ích của Nhà
nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
2.4. Mục đích của hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết
khiếu nại, tố cáo.
Mục đích của khiếu nại và
giải quyết khiếu nại là hủy bỏ, đình chỉ việc làm, bồi thường thiệt hại (về vật
chất hoặc tinh thần) do quyết định và hành vi không đúng gây ra nhằm khôi phục
và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người bị xâm phạm. Mục đích của tố cáo và giải
quyết tố cáo là phát giác, hạn chế và ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật,
đảm bảo và tăng cường pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước.
II. Vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố
cáo đối với việc đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước.
Trong quản lí hành chính
nhà nước, hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai
trò đặc biệt quan trọng đối với bảo đảm pháp chế. Thứ nhất, hoạt động này giúp các cơ quan hành chính
nhà nước phát hiện ra những thiếu sót, bất cập pháp luật trong quản lí hành
chính nhà nước, thiếu sót trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Thứ hai, thông qua hoạt động khiếu nại,
tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính kịp thời phát
hiện các vi phạm pháp luật của chính đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan
nhà nước và cá nhân, tổ chức cản trở hoạt động quản lí hành chính nhà nước. Thứ ba, hoạt động này buộc cơ quan quản
lí hành chính nhà nước phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm. Thứ tư, khiếu nại, tố cáo và giải quyết
khiếu nại, tố cáo đã tạo ra cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá
nhân, tổ chức trong quản lí hành chính. Hơn
thế nữa, nó còn tạo ra một cơ chế theo dõi, giám sát thường xuyên để tránh
lộng quyền, lạm quyền trong quản lí hành chính, phòng ngừa tham nhũng hoặc giảm
nhẹ các tham nhũng.
1.Vai trò của khiếu nại và
giải quyết khiếu nại đối với đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước.
Thứ nhất, khiếu nại và giải quyết khiếu nại là hoạt động bảo vệ và thực thi pháp luật, nhằm bảo vệ, khôi phục
quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và lợi ích bị xâm phạm. Khiếu nại của cá nhân, tổ chức là căn cứ đầu tiên để chủ thể có thẩm quyền
giải quyết khiếu nại, phát hiện ra
những quyết định hành chính, hành vi hành chính hay quyết định kỷ luật có “vấn
đề”.
Thứ hai, khiếu nại và giải quyết khiếu nại không những bảo vệ, khôi
phục quyền và lợi ích của chủ thể bị xâm phạm mà còn chứa đựng các thông tin về
sự vi phạm pháp luật của CQHCNN, người
có thẩm quyền trong CQHCNN hay các cá nhân, tổ chức khác. Thông qua việc giải
quyết khiếu nại, đánh giá, xem xét về tính hợp pháp của những quyết định, hành
vi vi phạm trật tự pháp luật trong quản lí hành chính mà chủ thể bị khiếu nại thực
hiện, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa chữa những sai sót, bất
hợp lí, buộc chủ thể vi phạm phải gánh chịu hậu quả, tuân theo các quy định của
pháp luật, góp phần giáo dục, ý thức pháp luật và nâng cao trách nhiệm của chủ
thể quản lí.
Thứ ba, khiếu nại góp phần tăng cường sự kiểm tra của nhân dân đối
với thực thi pháp luật của các chủ thể quản lý, đấu tranh với những biểu hiện
quan liêu, cửa quyền, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác của các chủ
thể quản lí hành chính nhà nước. Sự kiểm tra của nhân dân bằng quyền khiếu nại
góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý hành chính nhà
nước.
Thứ tư, khiếu nại không chỉ thể hiện yêu cầu, đòi hỏi của cá nhân,
tổ chức mà còn thể hiện tính tích cực của người nhân dân tham gia vào quản lí
hành chính nhà nước, khẳng định vai trò làm chủ của nhân dân, thực sự là chủ
thể tôn trọng và thực hiện pháp luật.
Thứ năm, việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại của công dân, cơ quan,
tổ chức... là biện pháp nhằm phát hiện ra những cơ chế, chính sách, nhất là
trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch đô thị, đền bù, giải phóng mặt
bằng... có chỗ nào bất cập, bất hợp lý, chưa phù hợp thực tế, thiếu nhất quán,
những yếu tố không công bằng, để từ đó thay đổi cho phù hợp với pháp luật, phù
hợp với thực tế, để người dân chấp hành đầy đủ, bảo đảm pháp chế trong quản lí
hành chính nhà nước.
Thứ sáu, vai trò của khiếu nại, giải quyết khiếu nại còn được thể hiện
ở chỗ: nó là biện pháp nhằm điều chỉnh, tiêu chuẩn để những người làm công tác
chỉ đạo, QLHCNN nhận biết được những yếu kém của mình, nhất là lĩnh vực quản lý
đất đai và một số ngành nhạy cảm khác, để từ đó, những người này tự sửa chữa,
tuân theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, điều này
cũng bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng một cách triệt để.
Thứ bảy, khiếu nại và giải quyết khiếu nại giúp lập lại trật tự, kỷ
cương hành chính. Các quyết định và hành vi trái pháp luật sẽ bị loại bỏ, thay
vào đó là quyết định để xử lí người vi phạm và khắc phục hậu quả, bồi thường
thiệt hại phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích của người bị xâm phạm một cách khách
quan, công khai, dân chủ và kịp thời. Thông qua đó, nâng cao ý thức, trách
nhiệm của chủ thể quản lý hành chính nhà nước.
Vai trò của khiếu nại và giải quyết khiếu nại có thể nhận thấy
qua vụ việc sau: Ngày 20/11/2012, ông Võ Sỹ Phương, trú tại tổ 23, khu vực 6,
phương Xuân Thủy, thành phố Huế đã làm đơn khiếu nại (khiếu nại lần 2) quyết
định số 4905/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 của chủ tịch UBND thành phố Huế liên quan
đến việc bồi thường thiệt hại về giá trị quyền sử dụng đất sau khi thu hồi đất,
giải tỏa để xây dựng Khu tái định cư Bầu Vá tới Ủy ban nhân dân Tỉnh Thừa Thiên
Huế. Sau khi nghiên cứu, xác minh thực tế, Chủ tịch UBND Tỉnh đã ra quyết định
công nhận nội dung đơn của ông về khiếu nại quyết định số 1991/QĐ-UBND ngày
7/8/2009 của UBND thành phố Huế “Về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung giá trị bồi
thường, hỗ trợ về đất và tài sản” và quyết định 4905/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND
thành phố Huế “Về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông, bà Võ Sỹ Phương –
Nguyễn Thị Ngọc Bích” chưa đúng quy định của pháp luật là có cơ sở. Theo đó,
UBND thành phố phải thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung giá trị bồi thường về
đất cho hộ ông Võ Sỹ Phương theo thẩm quyền. Như vậy, qua vụ việc này ta thấy,
khiếu nại và giải quyết khiếu nại đã giúp ông Phương khôi phục và bảo vệ quyền
lợi của mình, cơ quan quản lí có thể sửa chữa những sai sót, góp phần làm cho
pháp luật được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh; phát huy vai trò của khiếu
nại và giải quyết khiếu nại trong QLHCNN.
2. Vai trò của tố cáo và
giải quyết tố cáo trong quản lý hành chính nhà nước
Thứ nhất, thực hiện quyền tố cáo thể hiện thái độ tích cực, đấu tranh
vì công lý, tôn trọng và thực hiện pháp luật của cá nhân. Công dân tỏ rõ trách
nhiệm của mình không chỉ trong việc giám sát hoạt động quản lý của nhà nước để
xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng, trong sạch, vững mạnh mà còn đối với cả
việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thật sự là “công bộc” của dân,
góp phần ngăn chặn, tiến tới loại trừ những hành vi quan liêu, hách dịch, cửa
quyền, sách nhiễu quần chúng nhân dân của bộ phận cán bộ, công chức.
Thứ hai,
tố cáo và giải quyết tố cáo nhằm vạch rõ những sai trái của cơ quan nhà nước,
tổ chức và của cán bộ, công chức. Từ đó, công dân đòi hỏi nhà nước phải áp dụng
biện pháp giáo dục, trừng trị hợp lý, kịp thời thậm chí cả biện pháp nghiêm
khắc góp phần loại trừ những hành vi trái pháp luật xâm hại lợi ích xã hội, lợi
ích cá nhân và để những người bị tố cáo sửa chữa khuyết điểm của mình. Theo đó
tạo cơ chế giám sát, buộc chủ thể quản lí phải thực hiện đúng quy định của pháp
luật.
Thứ ba, tố cáo là hoạt động thực hiện pháp luật của cá nhân, tổ
chức, nhằm hiện thực hóa quyền năng của mình với mục đích là làm cho pháp luật
phải được thực sự tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện, thúc đẩy việc tôn trọng
và thực hiện pháp luật của mọi người. Thực hiện quyền tố cáo là cung cấp các
thông tin về hành vi vi phạm pháp luật tới chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố
cáo. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ tiến hành xác minh, thu thập chứng
cứ để giải quyết tố cáo đảm bảo tính khách quan, chính xác, kịp thời, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có liên quan, trả lại trật tự pháp chế,
sự nghiêm minh của pháp luật trong quản
lí hành chính nhà nước.
Có thể thấy được vai trò
của tố cáo và giải quyết tố cáo thông qua vụ việc sau: ngày 17/10/2012, ông
Nguyễn Văn Hàn và ông Nguyễn Phúc Tuân, thôn Vạn Chánh, thị trấn Phú Thứ, huyện
Kinh Môn đã làm đơn tố cáo Công ty Cổ phần Điện Phú Thứ về một số vi phạm của
công ty (bán điện không phát hành hóa đơn GTGT tiền điện theo quy định của Bộ
Tài chính cho từng khách hàng sử dụng điện theo từng kỳ thanh toán, không ký
hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện, bán sai giá điện) tới Sở
Công Thương. Sau khi xem xét nội dung đơn tố cáo và căn cứ vào quy định của
pháp luật, từ ngày 24/10/2012 đến ngày 7/12/2012, Giám đốc Sở Công Thương đã ra
quyết định và tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của Luật
điện lực đối với công ty này và phát hiện ra một số hạn chế và vi phạm của công
ty như: chưa thực hiện tốt công tác phối hợp, tuyên truyền và giải thích cho
đối tượng khách hàng trong sản xuất kinh doanh, không thực hiện phát hành đầy
đủ hóa đơn GTGT cho khách hàng tại kỳ thanh toán, bán sai giá điện, chưa thực
hiện ký kết hợp đồng với khách hàng sử dụng điện. Ngày 8/1/2013, Sở Công Thương
đã ra kết luận Thanh tra và buộc công ty này phải thực hiện tốt công tác phối
hợp, tuyên truyền, giải thích,.. với khách hàng, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh
nghiệm không để xảy ra tình trạng tương tự, phát hành đầy đủ hóa đơn theo đúng
quy định của pháp luật, tính toán hoàn trả số tiền chênh lệch do việc thu sai
cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn công ty quản lí, tiến hành ngay kí kết
hợp đồng mua bán điện với toàn bộ khách hàng theo đúng quy định của pháp luật;
Giám đốc Sở Công Thương đã giao cho Thanh tra Sở tiến hành xử phạt vi phạm hành
chính (phạt tiền với mức phạt là 15 triệu đồng) đối với hành vi bán điện mà
không có hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện và bán sai giá điện
do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với công ty này. Công ty Cổ phần Điện Phú
Thứ đã nghiêm túc nhận thiếu sót trong hoạt động kinh doanh của mình và thực
hiện đúng các quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Qua sự việc này cho thấy,
tố cáo và giải quyết tố cáo đã giúp bảo đảm quyền và lợi ích của người dân,
buộc chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật phải thực hiện đúng các quy định của
pháp luật,…; phát huy tối đa vai trò của tố cáo và giải quyết tố cáo đối với
việc đảm bảo pháp chế trong quản lí hành chính nhà nước.
III. Thực trạng khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố
cáo và một số kiến nghị để phát huy vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết
khiếu nại, tố cáo đối với đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà
nước.
1. Thực trạng khiếu nại, tố
cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo với vai trò đảm bảo pháp chế trong quản lý
hành chính.
Theo báo cáo của Thanh tra
Chính phủ, trong quý I/2013, về giải
quyết khiếu nại, tố cáo của cả nước đã xem xét, giải quyết xong 430/528 vụ
việc, đạt tỷ lệ 81,44%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến
nghị thu hồi cho nhà nước 7.429 triệu đồng, 3.528 m2 đất, trả lại cho công dân
1.550 triệu đồng, 30.113 m2 đất các loại; trả lại quyền lợi và minh oan 123
người, kiến nghị xử lý hành chính 62 người; chuyển cơ quan điều tra một vụ, một
người. Ngoài ra, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kết hợp với công tác
thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thanh tra đã phát hiện 14 vụ, 37 đối tượng có
hành vi liên quan đến tham nhũng và có hành vi tham nhũng với số tiền 99 tỷ
đồng, kiến nghị thu hồi 99 tỷ đồng và đã thu 48,1 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị
xử lý hành chính đối với sáu cá nhân, kiến nghị xử lý hình sự với năm vụ và 32
cá nhân. Cuối năm 2012 có khoảng 380 nghìn lượt người đi khiếu nại tố cáo, TTCP
đã gửi đi 124 nghìn đơn đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị này
đã thụ lý, giải quyết hơn 54 nghìn đơn, trên tổng số 65 nghìn đơn có thẩm
quyền. Để giải quyết 528 vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài, TTCP đã thành
lập 28 tổ công tác từ tháng 5/2012, theo đó các vụ việc đã có địa chỉ, con số
cụ thể, đã có thẩm quyền, có thể có phương án giải quyết. Đầu năm 2013, TTCP,
các bộ ngành chức năng cùng các địa phương đã thống nhất phương án giải quyết
trên 300 vụ, chiếm trên 60% tổng số vụ. Đến cuối tháng 2, hơn 110 vụ đã được
giải quyết dứt điểm. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, khoảng 90% vụ việc được
giải quyết trong thời điểm này và sẽ tiến hành đối thoại với người dân trong
tất cả các vụ việc cần giải quyết. Đó là một động thái rất tích cực từ phía cơ
quan giữ vai trò quản lý Nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo.
Đây cũng là việc làm thể hiện tính minh bạch, rõ ràng về trách nhiệm, về pháp
luật và quan trọng là để người dân hiểu rõ vụ việc được giải quyết đã thực sự
đúng quy định của pháp luật hay chưa.
Tuy nhiên, tình trạng
khiếu nại, tố cáo của công dân hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, tăng nhanh
về số lượng và mức độ gay gắt, nội dung khiếu nại chủ yếu vẫn liên quan đến
lĩnh vực đất đai (Thủ tướng Chính phủ đã phân loại ra 422 vụ thuộc lĩnh vực đất
đai, chiếm tới 79,9%, như về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh
chấp đất đai và đòi lại đất cũ). Giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn được coi là
bài toán khó đối với cơ quan quản lí và các ngành chức năng. Đây là biểu hiện
rõ nhất của thái độ thực hiện pháp luật, tôn trọng pháp luật của cơ quan quản
lí, cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo và người khiếu nại, tố cáo. Vấn đề
giải quyết khiếu nại, tố cáo như hiện
nay là rất đáng lo ngại, gây bức xúc trong nhân dân. Về phía cơ quan quản lý,
một số người có thẩm quyền quan liêu, thờ ơ, trước nỗi bức xúc của nhân dân. Thậm
chí có trường hợp vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, vì những mối quan hệ không
lành mạnh, họ thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người dân một cách tinh
vi. Chính những việc làm đó gây nên sự hoài nghi, không tin tưởng trong dư luận
nhân dân về đội ngũ cán bộ, về chủ trương, chính sách, pháp luật. Không những
vậy, khi người dân thắc mắc, yêu cầu giải quyết thì họ sẵn sàng đùn đẩy trách
nhiệm; hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một số người dân để ra
các quyết định trái thực tế, sai pháp luật. Về phía người khiếu nại, tố cáo, có
nhiều trường hợp cho dù những vấn đề họ thắc mắc đã được cơ quan, người có chức
năng, thẩm quyền giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng trong nhiều
trường hợp họ không chấp nhận mà vẫn tiếp tục khiếu nại, gửi đơn nhiều nơi, gửi
vượt cấp. Một bộ phận người dân không vì lợi ích chung còn vi phạm pháp luật về
khiếu nại tố cáo, đưa những thông tin sai sự thật. Điển hình như vụ ông Đoàn
Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng do không giải quyết kịp thời, thỏa đáng khiếu
nại của ông về quyết định thu hồi 19,3 ha đất của UBND huyện Tiên Lãng đã dẫn
đến hậu quả nghiêm trọng, vẫn chưa được giải quyết như ngày hôm nay (vụ án giết
người, chống người thi hành công vụ đối với ông Đoàn Văn Vươn và các đối tượng
tham gia liên quan).
2. Một số kiến nghị để
phát huy vai trò của khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với
đảm bảo pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước.
Khi
khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm chỉnh
theo đúng quy định của pháp luật sẽ phát huy tối đa vai trò của nó. Dưới đây là
một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng của hoạt động khiếu nại, tố cáo và
giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm phát huy vai trò của hoạt động này trong bảo
đảm pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước. Thứ nhất là việc giải quyết
khiếu nại lần đầu của các địa phương là khâu then chốt, khâu quan trọng nhất,
có ý nghĩa quyết định đến quá trình giải quyết khiếu kiện. Các địa phương cần
tích cực xử lí ngay những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị
của người dân, đặc biệt là các vụ khiếu kiện đông người, khiếu kiện của đồng
bào dân tộc thiểu số. Thứ hai, cần
nâng cao ý thức và trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức chính quyền các
cấp ở địa phương; khắc phục tình trạng đùn đẩy trong bộ máy hành chính, người
có trách nhiệm nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân lại chỉ làm một cách
chiếu lệ, không cần nắm nội dung đơn thư. Thứ
ba, nâng cao chất lượng hoạt động và sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ của các
cơ quan tư pháp. Thứ tư, tăng cường
sự chỉ đạo, điều hành, phối hợp của cơ quan nhà nước các cấp, các ngành, nâng
cao ý thức chấp hành của cấp dưới (vì trên thưc tế có rất nhiều vụ khiếu nại,
tố cáo mà cấp trên đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng cấp dưới vẫn đùn đẩy, né tránh
không thực hiện, nhưng chúng ta vẫn chậm xử lí hoặc xử lí thiếu kiên quyết nên
người dân mất nhiều niềm tin vào Đảng và Nhà nước). Thứ năm, xây dựng các tiêu chí đánh giá ý thức, đạo đức và trách
nhiệm công vụ của cán bô, công chức; khắc phục thái độ vô cảm, thờ ơ trong công
việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cán bộ, đảng viên.
KẾT LUẬN
Như vậy, hoạt động khiếu
nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo là biện pháp bảo đảm pháp chế rất
hiệu quả. Với việc nhận thức như vậy, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể để phát huy tối đa vai trò của khiếu
nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc bảo đảm pháp chế trong
quản lí hành chính nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét