Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Sơ lược lịch sử hình thành Công ước Công ước Viên

1.      Sơ lược lịch sử hình thành Công ước
Công ước Viên của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là CISG- Convention on Contracts for the International Sale of Goods) được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong một nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
Trên thực tế, nỗ lực thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã được khởi xướng từ những năm 30 của thế kỷ 20 bởi Unidroit (Viện nghiên cứu quốc tế về thống nhất luật tư). Unidroit đã cho ra đời của hai Công ước La Haye[1] năm 1964: một Công ước có tên là “Luật thống nhất về thiết lập hợp đồng mua bán quốc tế các động sản hữu hình”, Công ước thứ hai là về “Luật thống nhất cho mua bán quốc tế các động sản hữu hình”[2]. Công ước thứ nhất điều chỉnh việc hình thành hợp đồng (chào hàng, chấp nhận chào hàng). Công ước thứ hai đề cập đến quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua và các biện pháp được áp dụng khi một/các bên vi phạm hợp đồng. Tuy vậy, hai Công ước La Haye năm 1964 trên thực tế rất ít được áp dụng. Lý do là vì hai Công ước này do một thiết chế tư (Unidroit) soạn thảo nên không gây được ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Hơn nữa, chỉ có những quốc gia Châu Âu (theo hệ thống luật Civil Law) tham gia vào việc soạn thảo hai Công ước và vì vậy, chúng hầu như chỉ được biết đến và được áp dụng tại các quốc gia này.
Năm 1968, UNCITRAL đã khởi xướng việc soạn thảo một Công ước thống nhất về pháp luật nội dung áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nhằm thay thế cho hai Công ước La Haye năm 1964. Được soạn thảo dựa trên các điều khoản của hai Công ước La Haye, song Công ước Viên có những điểm đổi mới và hoàn thiện cơ bản. Công ước này được thông qua tại Viên (Áo) ngày 11 tháng 04 năm 1980 tại Hội nghị của Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế với sự có mặt của đại diện của khoảng 60 quốc gia và 8 tổ chức quốc tế. CISG có hiệu lực từ ngày 01/01/1988.
2. Tình hình thực thi Công ước:
Cho đến nay, CISG đã trở thành một trong các công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất. Với 77 quốc gia thành viên[3] (tính đến ngày 1/11/2011), ước tính Công ước này điều chỉnh các giao dịch chiếm đến hai phần ba thương mại hàng hóa thế giới[4]. Trong danh sách 77 quốc gia thành viên của Công ước Viên, có sự góp mặt của các quốc gia thuộc các hệ thống pháp luật khác nhau, các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển, các quốc gia tư bản chủ nghĩa cũng như các quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa trên mọi châu lục. Hầu hết các cường quốc về kinh tế trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Australia, Nhật Bản…) đều đã tham gia CISG.
Sự thành công của Công ước Viên được khẳng định trong thực tiễn với hơn 2500 vụ kiện[5] có liên quan[6] (tức là các phán quyết, quyết định giải quyết các tranh chấp hợp đồng sử dụng hoặc dựa trên các quy định của CISG) . Điểm cần nhấn mạnh là 2500 vụ kiện này không chỉ phát sinh tại các quốc gia thành viên. Tại các quốc gia chưa phải là thành viên, Công ước vẫn được áp dụng, hoặc do các bên trong hợp đồng lựa chọn Công ước Viên như là luật áp dụng cho hợp đồng, hoặc do các tòa án, trọng tài dẫn chiếu đến để giải quyết tranh chấp[7].
Năm 2008 đánh dấu sự thành công mới của Công ước Viên tại Châu Á, khi mà Nhật Bản tham gia Công ước này. Với ảnh hưởng mạnh mẽ và rộng lớn về thương mại hàng hóa của Nhật Bản ở Châu Á và trên thế giới, các chuyên gia dự báo việc Nhật Bản- nền kinh tế hùng mạnh nhất Châu Á gia nhập Công ước Viên sẽ kéo theo nhiều hồ sơ gia nhập hay phê chuẩn từ các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Châu Á[8].



[1] Tên tiếng Anh là Hague Conventions.
[2] Hai công ước này đã được 7 quốc gia phê chuẩn : Đức, Bỉ, Gambie, Ý, Hà Lan, Vương Quốc Anh, Saint Martin và Ixraien. Hiện nay, các quốc gia này khi gia nhập Công ước Viên 1980 đều đã tuyên bố từ bỏ hai công ước nói trên.
[3] Xem danh sách các quốc gia thành viên Công ước tại Phụ lục 5.
[4] International Trade Centre (UNCTAD/WTO) & Ministry of Trade of Vietnam, Report on key multilateral treaties affecting trade not ratified by Vietnam- A cost/benefit analysis, March 2007, tr.27
[5] Theo đánh giá của các chuyên gia thì con số này trên thực tế là lớn hơn nhiều lần.
[6] Tính từ thời điểm Công ước này có hiệu lực (ngày 1/1/1988) cho đến nay (cập nhật ngày 28/03/2010). Nguồn: www.cisg.law.pace.edu
[7] Theo các cơ sở dữ liệu về vụ kiện áp dụng CISG, đã có một vụ kiện trong đó tòa án Việt Nam áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
[8] Claude Witz, L’essor de la Convention de Vienne en Asie (Sự bành trướng của Công ước Viên tại Châu Á), Recueil Dalloz, 2009, tr.280.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét