LAO ĐỘNG
Một số sơ suất khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1:14' 11/3/2011
![]() |
Đơn
phương chấm dứt mối quan hệ lao động với người lao động (NLĐ) một cách có tình,
có lý không phải chuyện dễ dàng cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) nói chung và
các trưởng phòng nhân sự, giám đốc nhân sự nói riêng (được gọi chung là “cán bộ
nhân sự”).
Trong khi yếu tố “có tình” có thể tùy theo nhận định của mỗi
người ở từng góc độ, hoàn cảnh khác nhau thì yếu tố “có lý” lại đòi hỏi sự
thông hiểu pháp luật một cách tường tận, cũng như vận dụng nó trong tình huống
thực tế một cách chuẩn xác. Dưới đây là những sơ suất phổ biến mà các cán bộ
nhân sự thường mắc phải khi thực hiện việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao
động (HĐLĐ) với NLĐ.
Lý do hợp pháp để chấm dứt HĐLĐ
Trong những lý do hợp pháp mà NSDLĐ có thể đơn phương chấm dứt
HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, có một số lý do thật sự khó
khăn để chứng minh, và cũng là những trường hợp mà NSDLĐ dễ sơ suất nhất.
Trường hợp chấm dứt HĐLĐ với lý do “Thay đổi cơ cấu hoặc công
nghệ”. Sơ suất phổ biến nhất của cán bộ nhân sự là không tiến hành một thủ tục
bắt buộc “đào tạo lại NLĐ vào công việc mới trước khi tiến hành thủ tục cho
nghỉ việc”. Ngoài ra, không phải bất kỳ việc thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ nào
cũng có thể là lý do chấm dứt HĐLĐ, mà chỉ áp dụng đối với việc thay đổi một
phần hoặc toàn bộ máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến có năng suất
lao động cao hơn; hay thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm dẫn đến sử dụng
lao động ít hơn; hay thay đổi cơ cấu tổ chức (nếu có sự sáp nhập, giải thể một
số bộ phận của doanh nghiệp).
Tuy nhiên, việc chứng minh một cách rõ ràng là máy móc, thiết
bị, quy trình công nghệ có năng suất lao động cao hơn hay việc thay đổi sản
phẩm làm cho việc sử dụng lao động ít hơn là không phải dễ dàng. Ngoài ra, việc
thay đổi một người trong một bộ phận nào đó trong doanh nghiệp thường sẽ không
được xem như là thay đổi cơ cấu, trừ trường hợp bộ phận đó chỉ có một người phụ
trách.
Đối với lý do chấm dứt HĐLĐ là do “Doanh nghiệp sáp nhập, hợp
nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử
dụng tài sản của doanh nghiệp”, các cụm từ “chia, tách, sáp nhập, hợp nhất”
phải hiểu theo định nghĩa được quy định rõ ràng trong Luật Doanh nghiệp của
Việt Nam. Sơ suất chủ yếu của các cán bộ nhân sự ở đây là cho rằng việc phân
chia lại quyền quản lý công ty con tại Việt Nam giữa các công ty trong cùng một
tập đoàn hay việc sáp nhập, hợp nhất các bộ phận, phòng ban trong cùng một công
ty cũng giống nhau nên vận dụng sai để đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
XEM THÊM: THÀNH LẬP CÔNG TY HỢP DANH
Đối với trường hợp chấm dứt HĐLĐ do “NLĐ thường xuyên không hoàn
thành công việc theo HĐLĐ”. Sơ suất thường gặp là NSDLĐ căn cứ vào kết quả thực
hiện công việc được giao của NLĐ không đáp ứng được mong đợi của mình và cho
NLĐ nghỉ việc mà quên rằng pháp luật lao động còn đòi hỏi xa hơn là: (i) mức độ
không hoàn thành công việc phải được ghi rõ trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập
thể hoặc nội quy lao động của doanh nghiệp; (ii) mức độ không hoàn thành công
việc phải là do yếu tố chủ quan; và (iii) NLĐ phải bị lập biên bản hoặc nhắc
nhở bằng văn bản ít nhất hai lần trong một tháng mà sau đó vẫn không khắc phục.
Một
khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, yếu tố "có tình" có thể
tùy thuộc theo nhận định của mỗi người ở từng góc độ, hoàn cảnh khác nhau thì
yếu tố "có lý" lại đòi hỏi sự thông hiểu pháp luật một cách tường
tận, cũng như vận động nó trong tình huống thực tế một cách chuẩn xác. |
Nếu không thỏa mãn toàn bộ ba yêu cầu
nêu trên, việc vận dụng lý do này để đơn phương chấm dứt HĐLĐ rất dễ bị sai
luật. Đối với trường hợp lấy lý do “NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải”, thường các
cán bộ nhân sự dựa vào nội dung của nội quy lao động đã được đăng ký với sở lao
động-thương binh và xã hội địa phương để làm cơ sở sa thải NLĐ. Tuy nhiên, nếu
trong nội quy lao động không ghi mức giá trị tài sản bị trộm cắp, tham ô, tiết
lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về
tài sản, lợi ích của doanh nghiệp thì sẽ không có cơ sở để áp dụng điều này khi
đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Ví dụ, thông thường cán bộ nhân sự chỉ dựa vào nội quy lao động
có ghi “hút thuốc trong nhà máy sẽ bị sa thải” để đuổi việc ngay một nhân viên
hút thuốc mà không quan tâm đến việc có phát sinh thiệt hại vật chất của NSDLĐ
không. Trong khi đó, việc NLĐ hút thuốc trong doanh nghiệp (nếu chưa gây ra
cháy, nổ) là chưa gây thiệt hại về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp nên chưa
thể xem là đủ cơ sở để vận dụng để đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Một lý do khác
cũng khá khó khăn để chứng minh khi chấm dứt HĐLĐ là “do thiên tai, hỏa hoạn
hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ mà NSDLĐ đã tìm
mọi cách khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc”.
Sơ suất chủ yếu ở đây là “lý do bất khả kháng khác” phải là
trường hợp do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên,
hoặc do dịch họa, do dịch bệnh không thể khắc phục được dẫn đến việc phải thay
đổi, thu hẹp sản xuất kinh doanh. Các lý do bất khả kháng khác do NSDLĐ suy
diễn, chẳng hạn như công ty mẹ mất khách hàng nên không thể đặt hàng công ty
con ở Việt Nam và công ty con rơi vào tình cảnh không thể giải quyết việc làm
được... sẽ không thể được xem là lý do bất khả kháng khác để NSDLĐ có thể đơn
phương chấm dứt HĐLĐ.
Tuân thủ thủ tục một cách đầy đủ
Nếu sơ suất không mời ban chấp hành công đoàn cơ sở tham gia hay
có ý kiến trong bất kỳ khâu quy trình thủ tục nào mà luật yêu cầu phải có sự
tham gia hay ý kiến của họ sẽ làm cho cả quá trình chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ trở
nên vô hiệu.
Riêng đối với các doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn
cơ sở, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ lại càng không khả thi. Trong thực tiễn,
việc xin ý kiến của phòng hay sở lao động-thương binh và xã hội địa phương hay
ban quản lý các khu công nghiệp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ thay thế cho
việc tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở cho một số trường hợp
chỉ là biện pháp tình thế và không có cơ sở pháp lý vững chắc để được coi là
đúng luật. Một số nơi thì các cơ quan này còn trả lời nhưng ở một số nơi khác
thì không, vì các cơ quan này cho rằng họ không có thẩm quyền để trả lời các
câu hỏi như vậy.
Tuân thủ một số thủ tục cũng rất quan trọng trong việc đơn
phương chấm dứt HĐLĐ đúng luật, nếu không NSDLĐ có thể bị thua kiện khi vụ việc
có phát sinh tranh chấp trước tòa án.
Nếu
xét thấy không thể tiến hành việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì nên cân nhắc
thương lượng với NLĐ để chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn. |
Sơ suất phổ biến là các cán bộ nhân sự
thường quên thời hiệu để xử lý vi phạm kỷ luật lao động tối đa chỉ là ba tháng
kể từ ngày xảy ra hoặc phát hiện vi phạm, và sáu tháng đối với các hành vi vi
phạm liên quan đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh của
doanh nghiệp. Do đó, nếu vụ việc hết thời hiệu xử lý rồi nhưng vẫn áp dụng hình
thức kỷ luật sa thải thì khả năng thua kiện là cầm chắc trong tay.
Sơ suất thường gặp khác là cán bộ nhân sự lại tư vấn cho NSDLĐ
sa thải NLĐ trong thời gian người đó đang nghỉ ốm, điều dưỡng hoặc nghỉ việc đã
được sự đồng ý của NSDLĐ hay đang chờ kết quả điều tra của cơ quan có thẩm
quyền đối với hành vi vi phạm, hay NLĐ nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ
dưới 12 tháng tuổi hay lao động nam phải nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, nhiều lúc cán bộ nhân sự ký quyết định sa thải mà
không có giấy ủy quyền hợp pháp của người đại diện theo pháp luật của doanh
nghiệp cũng là một sơ suất phổ biến. Trường hợp khác là xử lý kỷ luật lại không
cho phép NLĐ mời luật sư bào chữa, hay trong biên bản xử lý kỷ luật lại không
có ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở. Một sơ suất khác thường gặp là xử
lý kỷ luật lao động khi NLĐ mới chỉ vắng mặt một hai lần, trong khi luật yêu
cầu phải đến ba lần mới được quyền xử lý kỷ luật không cần sự hiện diện của
đương sự.
Thiết nghĩ việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đúng tình là một
chuyện, áp dụng đúng lý cũng rất quan trọng, nếu không khéo sẽ rất dễ xảy ra
tranh chấp không đáng có, dẫn đến thiệt hại về thời gian, tiền bạc và công sức
của cả hai phía. Doanh nghiệp nên tham vấn trước với luật sư chuyên về lao động
để hiểu rõ về trình tự, thủ tục tiến hành việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ một
cách đúng luật.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: Nhiều điều chưa rõ
11:20' 28/6/2009
![]() |
Công
nhân may xuất khẩu của một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn
|
Trong giai đoạn
khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay, việc cắt giảm chi phí hoạt động nói
chung và chi phí lao động nói riêng là một trong những việc cấp thiết phải làm
của các doanh nghiệp để có thể tồn tại.
Việc cắt giảm chi phí lao động nói chung có nhiều cách, ví dụ
như không ký lại hợp đồng lao động (HĐLĐ) sắp hết hạn, không tăng lương và trợ
cấp, không thưởng thành tích, cắt giảm các khoản vui chơi, giải trí của người
lao động (NLĐ), cắt giảm các khoản phúc lợi không cam kết trong HĐLĐ hoặc thỏa
ước lao động tập thể. Tuy nhiên, những cắt giảm này thường không thể triển khai
nhanh và nhiều được. Cái có thể đạt mục đích nhanh nhất vẫn là việc người sử
dụng lao động (NSDLĐ) đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.
Các quy định của luật
Bộ luật Lao động hiện hành cũng đã có dự liệu về trường hợp này.
Cụ thể, điều 17 của bộ luật quy định NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ
với NLĐ trong trường hợp “do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ” và NLĐ đã được đào
tạo lại nghề để sử dụng cho công việc mới nhưng NSDLĐ không thể giải quyết được
việc làm mới.
Cụm từ “do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ” được Chính phủ giải
thích thêm tại điều 11 của Nghị định 39/2003 ngày 18-4-2003 là bao gồm một
trong các trường hợp sau: (i) việc thay đổi một phần hoặc toàn bộ máy móc,
thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến có năng suất lao động cao hơn; (ii)
thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm dẫn đến việc sử dụng lao động ít hơn;
hoặc (iii) thay đổi cơ cấu tổ chức, sáp nhập, giải thể “một số bộ phận” của đơn
vị.
Khoản 2, điều 17 của Bộ luật Lao động cũng quy định là khi có
nhiều NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, doanh nghiệp phải công
bố danh sách, trao đổi nhất trí với ban chấp hành công đoàn cơ sở và phải báo
cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết. Chỉ sau 30 ngày kể từ
ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, thì NSDLĐ
mới quyết định cho NLĐ thôi việc.
Phần II, khoản 4 của Thông tư số 19 của Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội ngày 12-9-1996 cũng quy định là chi phí phục vụ cho việc đào tạo
được lấy từ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp.
Vướng mắc phát sinh trong thực tế
Tuy nhiên, khi áp dụng các điều khoản trên đây, thường có xảy ra
một số vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
(i) Đào tạo lại: Bộ luật Lao động và các văn bản pháp quy
của Chính phủ không quy định rõ là thời gian đào tạo lại, do doanh nghiệp tự
làm hay phải nhờ một đơn vị dịch vụ huấn luyện chuyên nghiệp thực hiện? Nếu
không có công việc phù hợp khác trong doanh nghiệp có cần phải qua thủ tục đào
tạo lại không? Nếu không có những hướng dẫn rõ về những vấn đề này thì sẽ phát
sinh nhiều vấn đề.
Nên chăng Nghị
định 39/2003 phải được sửa đổi, bổ sung theo hướng giải thích cụ thể cụm từ
“đào tạo lại” về các khía cạnh như thời gian đào tạo, nội dung đào tạo, công
việc đào tạo, trình độ người đào tạo, tiêu chí xác định việc đào tạo hoàn tất
để làm cơ sở cho việc xác định xem việc đào tạo lại có đạt được mục đích như
nhà làm luật mong muốn không để tránh việc tranh chấp giữa NSDLĐ và NLĐ.
|
Chẳng hạn, NSDLĐ có thể lợi dụng bằng
cách chỉ đào tạo lại cho NLĐ trong thời gian rất ngắn, chỉ 1-2 ngày cho có lệ,
rồi quyết định là NLĐ không phù hợp cho công việc mới; hoặc đào tạo lại những
công việc mới không phù hợp với khả năng của họ (ví dụ như nhân viên bảo vệ lại
được cho đào tạo lại thành kế toán quản trị hay nhân viên hành chính được đào
tạo lại thành chuyên viên đồ họa hay vi tính); hoặc không có tiêu chí để xác
định là việc đào tạo lại có thành công hay không...
Về phía NLĐ, họ cũng có thể làm khó NSDLĐ qua việc luôn than
phiền, kêu ca là không có đủ thời gian để tham gia các khóa đào tạo lại do
doanh nghiệp tổ chức; hoặc không được các giảng viên chuyên nghiệp hướng dẫn
bài vở một cách đầy đủ, chuyên nghiệp và tận tình cũng như không có được cơ hội
tiếp cận các tài liệu, giáo trình chuyên nghiệp.
Về vấn đề này, nên chăng Nghị định 39/2003 phải được sửa đổi, bổ
sung theo hướng giải thích cụ thể cụm từ “đào tạo lại” về các khía cạnh như
thời gian đào tạo, nội dung đào tạo, công việc đào tạo, trình độ người đào tạo,
tiêu chí xác định việc đào tạo hoàn tất để làm cơ sở cho việc xác định xem việc
đào tạo lại có đạt được mục đích như nhà làm luật mong muốn không để tránh việc
tranh chấp giữa NSDLĐ và NLĐ.
(ii) Thời gian báo trước: Khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ do
thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ theo điều 17 của Bộ luật Lao động, thì không
thấy luật đề cập là có cần phải có thời gian báo trước hay không.
Trong một vài văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
trả lời thắc mắc của một số doanh nghiệp thì trong trường hợp này doanh nghiệp
không phải báo trước cho NLĐ. Việc thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ là việc NSDLĐ
thường có dự liệu trước dù trong thực tế có thể thời gian dự liệu không dài.
Thêm vào đó, đây là công việc phục vụ cho quyền lợi và lợi ích
của NSDLĐ chứ không phải của NLĐ. Do đó, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ do thay
đổi cơ cấu hoặc công nghệ nên có thời gian báo trước tương tự như các trường
hợp được nêu ở khoản 2 và 3, điều 38 của Bộ luật Lao động để tạo điều kiện cho
NLĐ có đủ thời gian tìm công việc mới, để ổn định cuộc sống, đặt biệt là khi mà
trợ cấp mất việc làm không còn được áp dụng kể từ ngày 1-1-2009 cho đa số các
trường hợp.
(iii) Yêu cầu về việc trao đổi nhất trí với ban chấp hành
công đoàn cơ sở: Trong một số doanh nghiệp đã có thành
lập công đoàn lâm thời hoặc công đoàn cơ sở thì việc trao đổi nhất trí với ban
chấp hành công đoàn lâm thời hoặc công đoàn cơ sở là chuyện khá dễ dàng. Tuy
nhiên, trong một số doanh nghiệp mà công đoàn chưa được thành lập thì sẽ phải
giải quyết như thế nào?
Theo công văn hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
cho một doanh nghiệp thì trong trường hợp doanh nghiệp chưa có tổ chức công
đoàn cơ sở thì nếu muốn chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo điều 17 của Bộ luật Lao
động, NSDLĐ vẫn phải thực hiện theo trình tự và thủ tục nêu trên, nhưng được
miễn trừ việc trao đổi nhất trí với tổ chức công đoàn cơ sở .
Thiết nghĩ việc có sự tham gia của ban chấp hành công đoàn cơ sở
nhằm mục đích chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ trong trường
hợp NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ.
Nếu theo hướng dẫn trên của bộ, thì các quyền, lợi ích hợp pháp
của NLĐ không được bảo vệ và không khuyến khích các doanh nghiệp tích cực trong
việc kêu gọi, khuyến khích NLĐ tham gia công đoàn. Vì thế, nên điều chỉnh khoản
2, điều 17 của Bộ luật Lao động theo hướng là trong trường hợp doanh nghiệp
không có công đoàn thì NSDLĐ cần phải xin ý kiến nhất trí của công đoàn cấp
trên tại địa phương nơi trụ sở của doanh nghiệp tọa lạc.
(iv) Cần làm rõ khái niệm về việc thay đổi cơ cấu tổ
chức, sáp nhập, giải thể “một số bộ phận”. Điều 11 của Nghị định 39/2003 có quy
định trong trường hợp thay đổi cơ cấu tổ chức, sáp nhập, giải thể “một số bộ
phận” của đơn vị cũng được coi là một trong những trường hợp do thay đổi cơ cấu
trong doanh nghiệp theo điều 17 của Bộ luật Lao động và NSDLĐ có thể áp dụng
cho việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.
Tuy nhiên, khái niệm “một số bộ phận” lại không được làm rõ ở
Nghị định 39/2003 và các văn bản pháp quy về lao động khác và vì thế sẽ không
có cơ sở pháp lý vững chắc để xác định là có một hay một số bộ phận nào đó
trong sơ đồ tổ chức doanh nghiệp bị giải thể là do kết quả của việc áp dụng một
cấu trúc tổ chức mới của doanh nghiệp hay không.
Như chúng ta đã biết, trong một số doanh nghiệp nhỏ có khoảng 10
nhân viên thôi thì một bộ phận có thể chỉ do một người duy nhất phụ trách mà
thôi (ví dụ bộ phận kế toán, bộ phận pháp chế, hay bộ phận công nghệ thông
tin). Trong khi đó, chúng ta có xu hướng cho rằng đã gọi là “bộ phận” thì
thường phải có nhiều hơn một người, tối thiểu là hai người. Câu hỏi là có thể
coi một người nhân viên trong các ví dụ nêu trên là một bộ phận của doanh
nghiệp để áp dụng điều 11 của Nghị định 39/2003 hay không.
Các luật sư và luật gia nói chung có lý luận cho rằng cụm từ “bộ
phận” nên được hiểu có thể là một người hoặc một nhóm người được giao một công
việc chuyên môn đặc thù nào đó độc lập với các công việc chuyên môn của các
nhân viên khác trong doanh nghiệp. Giải thể một số bộ phận là kết quả của việc
doanh nghiệp không còn cần (các) công việc chuyên môn đó nữa.
Thiết nghĩ, điều 11 của Nghị định 39/2003 cần được sửa đổi, bổ
sung theo hướng này để giải thích rõ cụm từ “bộ phận” nhằm tránh các tranh chấp
không đáng có.
Ls. Nguyễn Hữu Phước - Công ty Luật Phước & Partners
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Ls. Nguyễn Hữu Phước - Công ty Luật Phước & Partners
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét