Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

BÀI TẬP NHÓM TƯ VẤN ĐẤT ĐAI


BÀI LÀM

* Khái niệm tư vấn pháp luật : Tư vấn pháp luật là việc giải đáp pháp luật, hướng dẫn ứng xử đúng pháp luật, cung cấp dịch vụ pháp lý nhằm giúp công dân, tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tư vấn pháp luật là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý.
* Mục đích của tư vấn pháp luật
- Nâng cao hiểu biết của người dân về quyền và nghĩa vụ công dân cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho người dân;
- Góp phần tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật; giảm bớt thời gian khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đồng thời tăng cường đoàn kết trong cộng đồng.
- Đưa ra những kiến nghị, đề xuất kịp thời để hoàn chỉnh, bổ sung hệ thống pháp luật trên cơ sở thông qua hoạt động tư vấn pháp luật đồng thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và thực trạng vi phạm pháp luật, cũng như thực trạng áp dụng pháp luật trong địa phương hay toàn quốc.
- Nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước; củng cố niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật.
- Hoạt động tư vấn pháp luật là cầu nối quan trọng giữa người xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật và công dân.
- Với người mang nặng suy nghĩ chủ quan, luôn cho rằng mình đúng: người tư vấn phải từ tốn giải thích để khách hàng trình bày một cách mạch lạc, cung cấp các thông tin cần thiết đối với việc cần tư vấn cho người tư vấn.
- Với người biết mình sai, có đầy đủ cơ sở để chứng tỏ mình sai những vẫn muốn người tư vấn biến cái sai của mình thành cái đúng để họ được lợi: người tư vấn cần giúp họ giải toả về tâm lý, để họ thấy rằng pháp luật chỉ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mọi người. Trong những trường hợp cụ thể người tư vấn có thể giúp khách hàng của mình tận dụng các quy định của pháp luật để giảm bớt trách nhiệm của họ.
- Nghe khách hàng trình bày: người tư vấn phải lắng nghe và ghi chép những nội dung chính, ý chính, đặt câu hỏi làm rõ thêm vụ việc.
- Yêu cầu khách hàng cung cấp các tài liệu liên quan đến việc cần tư vấn: khách hàng là người trong cuộc, vì vậy các việc mà họ yêu cầu tư vấn thường có các tài liệu, văn bản, thư từ giao dịch... những giấy tờ này phản ánh bản chất, diễn biến của vụ việc. Nếu người tư vấn không có được những tài liệu này thì việc tư vấn có thể không chính xác. Trường hợp khách hàng chưa muốn cung cấp cho người tư vấn những tài liệu không có lợi cho mình, người tư vấn cần động viên họ để họ cung cấp đầy đủ. Trường hợp sau khi nghe khách hàng trình bày và nghiên cứu các tài liệu do họ cung cấp mà thấy không thể trả lời ngay được, thì người tư vấn cần phải thông báo điều đó cho khách hàng và hẹn gặp họ vào một ngày khác.
- Tra cứu tài liệu tham khảo: là bắt buộc đối với người tư vấn pháp luật, vì:
+ Để khẳng định với khách hàng rằng người tư vấn đang tư vấn theo luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan.
+ Tra cứu tài liệu tham khảo giúp người tư vấn khẳng định chính những suy nghĩ của mình.
- Định hướng cho khách hàng: đưa ra giải pháp bằng miệng cho khách hàng để trả lời các vấn đề mà khách hàng yêu cầu.
Việc tư vấn bằng văn bản thông thường được tiến hành vì những lý do sau đây:
- Khách hàng ở xa, không trực tiếp đến gặp người tư vấn để xin tư vấn bằng miệng.
- Kết quả tư vấn bằng văn bản có thể được khách hàng sử dụng để phục vụ cho mục đích của họ.
Việc tư vấn bằng văn bản có thể thực hiện theo hai hình thức sau đây:
- Khách hàng viết đơn, chuyển fax... cho người tư vấn, nêu rõ yêu cầu của mình dưới dạng các câu hỏi. Hình thức này dễ làm, có hiệu quả và đạt độ chính xác cao.
- Khách hàng trực tiếp đến gặp người tư vấn, trực tiếp nêu yêu cầu của mình với người tư vấn và đề nghị họ tư vấn bằng văn bản.
Tư vấn bằng văn bản cần lưu ý thực hiện theo các bước sau đây:
- Nghiên cứu kỹ yêu cầu của khách hàng;
- Trao đổi với khách hàng về yêu cầu của họ để khẳng định trong một số trường hợp cần thiết;
- Tra cứu các tài liệu văn bản pháp luật có liên quan đến phục vụ cho việc tư vấn;
- Soạn văn bản trả lời cho khách hàng.
Việc thu thập, nghiên cứu, bảo quản và đánh giá chứng cứ trong hoạt động tư vấn pháp luật cũng rất quan trọng; quá trình này diễn ra nhanh chóng và đòi hỏi độ chính xác, độ tin cậy cao. Thu thập chứng cứ là việc người tư vấn yêu cầu khách hàng làm rõ những vấn đề cần quan tâm, yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu trong quá trình tư vấn. Quá trình nghiên cứu, đánh giá chứng cứ, người tư vấn cần phải huy động nhiều biện pháp khác nhau và kết hợp thành một quá trình logic để đưa ra kết luận, như biện pháp đặt câu hỏi, tham khảo tài liệu, văn bản, vận dụng kinh nghiệm cá nhân hoặc kinh nghiệm của người khác...
Thứ nhất là kỹ năng giao tiếp với khách hàng
Trước hết cần xác định trường hợp này là tư vấn về thu hổi đất. Ngoài các kỹ năng giao tiếp nói chung nhà tư vấn cần chú ý: trong quá trình tư vấn cần đề nghị khách hàng (ông A) cung cấp đầy đủ các giấy tờ, chứng cứ có liên quan. Đó là các giấy từ chứng minh ông A có đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất nông nghiệp; Quyết định thu hồi đất của UBND huyện H; Quyết định bồi thường và hỗ trợ thu hồi đất của UBND huyện H……
 Lưu ý: tư vấn viên chỉ yêu cầu ông A cung cấp các giấy tờ trên ở dạng phô tô để nghiên cứu, không yêu cầu khách hàng giao bản gốc.
Thứ hai là kỹ năng thu thập thông tin, chứng cứ trong hoạt động tư vấn.
Kỹ năng thu thập thông tin từ khách hàng trong tư vấn pháp luật được coi là kỹ năng tương tác thông tin, được thực hiện bằng sự biểu hiện các hành vi: hành vi đặt câu hỏi và hành vi lắng nghe.
“Đặt câu hỏi” là việc đưa ra các thông điệp nhất định tác động đến người khác để họ cung cấp những thông tin cần thiết. Người tư vấn có thê đặt ra các câu hỏi để lấy thông tin từ người đến nhờ tư vấn (ông A). Trước khi đặt câu hỏi, người tư vấn phải xác định được đầy đủ các nội dung cần hỏi, điều này người tư vấn hình dung được cần phải đặt các câu hỏi về vấn đề nào, trình tự tìm hiểu về các vấn đề đó, có thể bắt đầu bằng các câu hỏi như: Ông có thể nêu tóm tắt nội dung của vụ việc mà ông cần tư vấn? những yêu cầu mà ông đặt ra? Rồi sau đó hỏi một số chi tiết cụ thể như: ông được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào thời gian nào, việc sử dụng mảnh đất nông nghiệp của gia đình ông như thế nào?.....
Lắng nghe trong tư vấn pháp luật của người tư vấn là hành vi tiếp nhận và hiểu thông tin một cách có chủ ý, có mục đích. Thông qua lắng nghe sẽ giúp cho người tư vấn  xác định được thông tin nào quan trọng, thông tin nào hỗ trợ và sắp xếp chúng theo một trật tự nhất định. Người tư vấn phải chú ý lắng nghe nội dung vụ việc mà ông A trình bày, những tình tiết liên quan đến vụ việc. Nếu khi nge ông A trình bày, có vấn đề gì chưa rõ thì hỏi lại ông A cho rõ. Khi lắng nge ông A trình bày về vụ việc thì người tư vấn cần phải có sự tập trung chú ý lắng nghe, thể hiện thái độ thân thiện.
Thứ ba là kỹ năng nghiên cứu và tra cứu các văn bản pháp luật
          Khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, người tư vấn cần nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ mà khách hàng cung cấp có xác thực và hợp pháp không? đối chiếu với các quy định của pháp luật về thu hồi đất để xác định tính hợp pháp của vụ việc. Cụ thể, cần đối chiếu quyết định thu hồi đất với thẩm quyền thu hồi đất được quy định trong văn bản luật, đối tượng bị thu hồi, quy định của pháp luật về mức bồi thường…
          Để xác định các văn bản pháp luật cần tra cứu, thì tư vấn viên cần xác định được nội dung các yêu cầu của khách hàng. Cụ thể ở đây, ông A yêu cầu hai vấn đề:
          + Chỉ ra những nội dung trái pháp luật khi áp dụng mức bồi thường nêu trên đối với đất của gia đình ông A;
          + Soạn thảo giúp ông A đơn khiếu nại lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc không đồng ý với mức bồi thường nêu trên và mức bồi thường phải được nâng lên là 189.000 đồng/m2 loại đất nông nghiệp trồng cây lâu năm).  Mức hỗ trợ bằng 70% giá đất ở.
Đối với hai yêu cầu này, người tư vấn cần xác định các văn bản pháp luật có liên quan (căn cứ vào thời điểm ông A bị thu hồi đất để xác định đúng văn bản pháp luật có liên quan) như sau :
          + Luật Đất đai năm 2003
          + Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật đất đai
+Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/12/2004 về bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất
          + Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
          + Nghị định số 188/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại.
          + Nghị định số 123/2007/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 27/7/2007 sửa đổi, bổ sung, một số điều của nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.
          + Thông tư số 06/2007/TT- BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi Trường
          +Thông tư liên tịch số 14/2008/TTLT/BTC-BTNMT ngày 31/01/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai…..
          + Luật Khiếu nại………..
          Ngoài ra còn căn cứ vào nơi có đất bị thu hồi để xác định các văn bản có liên quan về phương án, mức bồi thường theo loại đất và ở từng khu vực……
Sau khi đã xác định được các văn bản cần nghiên cứu, người tư vấn cần so sánh, đối chiếu giữa các tình tiết, nội dung vụ việc với văn bản pháp luật. Sử dụng phương pháp phân tích, lập luận để từ đó xây dựng phương án tư vấn.
Thứ tư là kỹ năng trình bày thuyết phục
Trong quá trình trình bày nội dung tư vấn, khi đưa ra một đánh giá nhận định khách quan để thuyết phục khách hàng, người tư vấn cần viện dẫn, trích dẫn rõ các điều luật có liên quan nằm trong văn bản nào không được viện dẫn những văn bản đã hết hiệu lực, nếu khách hàng yêu cầu có thể cung cấp cho họ. Khi trình bày, cần chỉ rõ cho khách hàng thấy được sự mâu thuẫn, các tình tiết bất hợp pháp (nếu có) của quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường và đưa ra các chứng cứ chứng minh.
Ngoài các kỹ năng trên đây, người tư vấn cần phải đáp ứng một số yêu cầu khác như; am hiểu về hồ sơ địa chính có liên quan đến vụ việc, am hiểu về phong tục, tập quán sử dụng đất; nguồn gốc sử dụng đất; những điểm đặc thù của mỗi địa phương về tổ chức, thực thi pháp luật về thu hồi đất. Ngoài ra phải biết sử dụng các công cụ truyền thông, phương tiện báo chí, tạo dư luận xã hội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Để giải quyết vụ việc trên, người tư vấn cần đặt ra và làm rõ những vấn đề pháp lí sau:
- Thứ nhất, nguồn gốc của mảnh đất mà gia đình ông A sở hữu và việc sử dụng diện tích đất của gia đình ông A có hợp pháp hay không?
- Thứ hai, việc Nhà nước bồi thường với mức cụ thể là: 168.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp trồng cây hằng năm) và mức hỗ trợ là 30% giá đất nông nghiệp trồng cây hằng năm khi thu hồi 360m2 đất nông nghiệp đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đúng với quy định của pháp luật không? Nếu có sai phạm thì căn cứ vào những cơ sở pháp lý nào để xác định?
 - Thứ ba, nếu có đủ căn cứ pháp lý cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất là trái pháp luật thì ông A có quyền khiếu nại không? Đơn, thư khiếu nại được gửi đến cơ quan có thẩm quyền nào? Hình thức, nội dung đơn khiếu nại?
Về nguồn gốc thửa đất: thửa đât trên thuộc quyền sử dụng của cha mẹ ông A từ trước năm 1982.
Từ năm 1982 đến nay, ông bà A sinh sống ổn định trên thửa đất này và không có tranh chấp với người khác.
Thời điểm hiện tại, thửa đất trên đã được UBND huyện H cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình ông A bao gồm: 600 m² đất ở và 360 m² đất nông nghiệp. Việc sinh sống và sử dụng thửa đất trên của vợ chồng ông A là hoàn toàn hợp pháp và đã được nhà nước công nhận ( theo quy định tại khoản 2 Điều 9 luật đất đai năm 2003).
Năm 2010, Nhà nước có nhu cầu lấy đất để làm đường giao thông liên tỉnh và lấy đi 360m2 đất nông nghiệp của gia đình ông. Gia đình ông được Nhà nước bồi thường với mức cụ thể là: 168.000 đồng/m2 (đất nông nghiệp trồng cây hằng năm) và mức hỗ trợ là 30% giá đất nông nghiệp trồng cây hằng năm.
Về điều kiện được bồi thường
Như đã phân tích ở trên mảnh đất của gia đình ông A có nguồn gốc rõ ràng, không có tranh chấp và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; đất nông nghiệp năm 2006. Theo khoản 1 Điều 42 Luật Đất đai năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung và Điều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, thì gia đình ông A có đủ điều kiện để được nhà nước bồi thường: “Nhà nước thu hồi đất của người sử dụng đất mà người bị thu hồi đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...thì người bị thu hồi đất được bồi thường...”.
Về mức bồi thường mà gia đình ông A được nhận :
Theo đề bài, mức bồi thường mà gia đình ông A nhận được là 168.000 đồng/mvà mức hỗ trợ là 30% giá đất nông nghiệp trồng cây hằng năm. Căn cứ vào đoạn 1 Điểm d Khoản 2 Điều 13 Nghị định 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2007/NĐ-CP ngày 27/7/2007 thì:
Điều 13. Định giá đất cụ thể tại địa phương
2. Phương pháp định giá cụ thể cho từng loại đất
d) Giá đất trong các trường hợp sau được quy định bằng mức giá đất trồng cây lâu năm ở vị trí 1 cùng vùng trong tỉnh:
- Đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được xác định là đất ở; ....”
Như vậy, việc xác định mức bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây hằng năm của cơ quan có nhà nước có thẩm quyền cho gia đình ông A là không đúng. Theo quy định nêu trên mức bồi thường mà gia đình ông A được nhận là mức bồi thường theo mức giá đất trồng cây lâu năm, mức bồi thường phải được nâng lên là 189.000 đồng/m2.
Áp dụng khoản 1 Điều 21 Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13/8//2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: Hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn ao không được công nhận là đất ở  “Gia đình, cá nhân khi bị thu hồi đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở trong khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở; đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ; đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở dọc kênh mương và dọc tuyến đường giao thông thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm còn được hỗ trợ bằng 30% - 70% giá đất ở của thửa đất đó; diện tích được hỗ trợ không quá 05 lần hạn mức giao đất tại địa phương”. Theo đó, mức hỗ trợ mà gia đình ông A được nhận thỏa đáng phải là 70% giá đất ở.
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 162 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 thì ông A hoàn toàn có quyền khiếu nại đối với quyết định của Nhà nước về việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của gia đình ông.
Căn cứ quy định tại Điều 163 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày gia đình ông A nhận được quyết định bồi thường của Nhà nước đối với mảnh đất mà gia đình ông sử dụng, ông A phải gửi đơn khiếu nại đến UBND huyện,quận, thành phố trực thuộc tỉnh nơi có đất bị thu hồi. Trong nội dung đơn khiếu nại ông A phải chỉ rằng trái theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 69/2009/NĐ- CP ngày 13/8//2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì quyết định bồi thường, hỗ trợ khi thu đất là trái luật. Và trên cơ sở quy định trên ông A đưa ra yêu cầu của mình về mức bồi thường. Cụ thể ông A có thể soạn đơn như sau:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------------------
H, ngày … tháng … năm 2013
ĐƠN KHIẾU NẠI
Kính gửi: Chủ tịch UBND huyện H đồng kính gửi Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện H.
Tên tôi là: Nguyễn Văn A                Sinh năm: 1945
Số CMND: ********* do CA tỉnh ** cấp ngày .../.../...
Hộ khẩu thường trú tại: Xóm ..., xã ..., huyện ..., tỉnh...
Tôi xin khiếu nại một việc như sau:
Vợ chồng tôi được cha mẹ để lại cho một mảnh đất có diện tích 960m2 và chúng tôi đã sinh sống ổn định từ đó đến nay mà không xảy ra tranh chấp. Năm 2006, UBND huyện thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo đó công nhận 600m2 đất là đất ở và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình chúng tôi. Phần còn lại là 360m2  đất vườn ao liền thửa với đất ở nhưng không được công nhận là đất ở nên chúng tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn cất giữ cẩn thận 02 (hai) loại giấy tờ này.
Năm 2010, nhà nước có nhu cầu lấy đất để làm đường giao thông liên tỉnh và thu hồi 360mđất nông nghiệp của tôi. Gia đình chúng tôi hoàn toàn không gây khó khăn cho việc thu hồi của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, mức bồi thường mà chúng tôi nhận được là chưa thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Theo tôi được biết trường hợp đất vườn ao liền thửa với đất ở nhưng không được công nhận là đất ở thì giá đất bồi thường được quy định bằng mức giá đất trồng cây lâu năm và ngoài ra mức hỗ trợ bằng 30% - 70% giá đất ở của thửa đất đó. Tuy nhiên, mức bồi thường mà chúng tôi nhận được là mức bồi thường bằng mức giá đất trồng cây hằng năm và mức hỗ trợ bằng 30% giá đất ở.
Chính vì sự băn khoăn nói trên tôi kính đề nghị Chủ tịch UBND huyện H; Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh lại mức giá bồi thường cho gia đình chúng tôi theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của gia đình tôi, trên hết là đảm bảo sự công bằng xã hội.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Nơi nhận
-Như trên                                                                                 
                                                                                           Người làm đơn 
                                                                                           Nguyễn Văn A  











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét